Giải tỏa bức xúc khiếu nại, tố cáo trong nhân dân

Sáng 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10 về việc đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân và Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12 về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Theo Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 228 và Nghị quyết 694, qua thực tế 14 năm thực hiện Nghị quyết số 228 và hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 694 đã bộc lộ một số bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung.

Phiên họp thứ 19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Ban soạn thảo đề nghị ban hành một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 228 và Nghị quyết 694, đưa nội dung của hai Nghị quyết cũ vào nội dung Nghị quyết sửa đổi, bổ sung; đồng thời thể hiện thành các Chương, Điều cụ thể để bảo đảm về hình thức văn bản quy phạm pháp luật và thuận tiện trong việc áp dụng.

Ban soạn thảo đề nghị lấy tên gọi của Nghị quyết là “Nghị quyết về việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội”.

Dự thảo Nghị quyết có 7 Chương, 40 Điều bổ sung nhiều nội dung liên quan tới công tác tiếp công dân; việc tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; việc giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết mới sẽ cụ thể hóa các quy định của các văn bản pháp luật hiện hành đối với đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; Ban công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giúp UBTVQH trong các hoạt động.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần thiết phải có Nghị quyết về nội dung tiếp công dân. Nhưng theo ông để đảm bảo thống nhất giữa Nghị quyết này với hệ thống luật, nhất là với những luật đang được sửa đổi, đặc biệt là Hiến pháp thì nên lùi thời gian ban hành Nghị quyết, chờ Quốc hội thông qua Hiến pháp và các đạo luật khác. Ông nhấn mạnh: “Nếu thông qua Nghị quyết này thì nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 1, 2 năm”.

Nghiên cứu bản dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đánh giá: Ban soạn thảo đã chuẩn bị khá công phu nhưng nhiều nội dung trùng lắp với các luật khác, nhiều nội dung lại chưa được làm rõ nên cần phải cân nhắc kỹ. Ông chỉ rõ, Dự thảo chưa chỉ ra được Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phải tiếp công dân thường xuyên bao nhiêu ngày trong tuần, trong tháng? Mặt khác, căn cứ để giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa đủ, thiếu những căn cứ rất cơ bản. Bày tỏ chưa yên tâm với dự thảo Nghị quyết, ông đề nghị các cơ quan cần phải rà soát lại, đối chiếu thêm để tránh trùng lặp với các văn bản luật khác.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, việc ban hành Nghị quyết này đã nằm trong Chương trình hoạt động của UBTVQH, hơn nữa Dự thảo cũng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Dù có thể sẽ phải ban hành văn bản mới, nhưng những nội dung đã được chuẩn bị vẫn phù hợp, việc triển khai Nghị quyết sửa đổi này sẽ giúp giải quyết bức xúc rất lớn hiện nay của nhân dân. Hơn nữa, đây là Nghị quyết trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội nên sau khi ban hành các Luật nếu có sửa đổi, bổ sung thì việc tiến hành cũng sẽ thuận lợi.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cũng chỉ rõ thực tế có những người khiếu nại rất lâu mà chưa được giải quyết. Vì vậy, bà cho rằng Nghị quyết này ra đời càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu để giải quyết những bức xúc của người dân khi khiếu nại, tố cáo.

Về trụ sở tiếp công dân, bà lưu ý, hiện nay tất cả các địa phương đều có địa điểm tiếp công dân chỉ có Quốc hội không có địa điểm tiếp công dân. Theo bà có 2 đối tượng cần tiếp gồm: công dân đến nộp đơn phản ánh về tình hình đại biểu Quốc hội ở địa phương và đại biểu Quốc hội đến để đối thoại làm rõ đơn thư của công dân phản ánh mà chưa có địa điểm tiếp. Bà Nguyễn Thị Nương cho rằng “Nếu chúng ta cứ tiếp công dân cùng trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước thì hiệu quả sẽ không cao”. Từ đó, bà Nương đề nghị bố trí một phòng tiếp công dân của Quốc hội và phân công Ban Dân nguyện là cơ quan chủ trì tiếp công dân./.

Từ năm 2009 đến nay, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các Ban của UBTVQH đã nhận 88.335 đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Sau khi phân loại các đơn, thư không đủ điều kiện xử lý do trùng lặp, đơn nặc danh, đơn đã có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực và đúng pháp luật, các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH đã chuyển 5.778 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nhận được 4.283 văn bản trả lời.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam