Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN năm 2013

Chủ động phòng, chống cháy nổ

(NTO) Nhân Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ 15-năm 2013, để tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc phòng, chống cháy nổ (PCCN), PV Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Văn Thành, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh).

Đại tá Trần Văn Thành
Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh)

Phóng viên: Xin đồng chí nêu đánh giá đôi nét về tình hình cháy nổ hiện nay trên địa bàn tỉnh ta?

Đại tá Trần Văn Thành: Trong thời gian qua, tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Mặc dù UBND tỉnh, ngành Công an đã có chỉ đạo các lực lượng, đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ cháy nổ xảy ra. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ cháy, làm chết 4 người, gây thiệt hại tài sản khoảng gần 20 tỷ đồng. Qua điều tra, nguyên nhân chủ yếu là ý thức, trách nhiệm người đứng đầu cơ sở, hộ gia đình chưa cao, có phần chủ quan; chưa quan tâm đầu tư trang bị phương tiện chữa cháy cần thiết, bố trí đủ lực lượng bảo vệ ban đêm và tập huấn công tác PCCC cho người lao động tại cơ sở… Do đó, khi xảy ra cháy thường phát hiện chậm, không đủ phương tiện và lực lượng để khống chế đám cháy. Mặt khác, công tác quản lý, kiểm tra, tham mưu và hướng dẫn an toàn PCCC tại cơ sở của cán bộ, chiến sỹ trong ngành chưa chặt chẽ; công tác điều tra cơ bản, xác định cơ sở cần quản lý chưa nghiêm, hiệu quả thấp.

Phóng viên: Để hạn chế thấp nhất về người và tài sản do cháy, nổ gây ra; đồng thời hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH sẽ tập trung vào những giải pháp gì?

Đại tá Trần Văn Thành: Trước tình hình cháy nổ như hiện nay, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể CBCS lực lượng PCCC, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nhằm kiềm chế thấp nhất số vụ cháy và mức độ thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước, nhân dân, bảo vệ an toàn các cơ sở trọng điểm. Trong đó, tập trung phối hợp các ngành chức năng tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra an toàn PCCC ở các khu dân cư tập trung, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong đó tập trung kiểm tra chợ, trung tâm thương mại, địa bàn dân cư, khu và cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động có nhiều tính chất nguy hiểm về cháy, nổ như: xăng, dầu, gas, xay xát, may mặc… vi phạm, thiếu sót về đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC, tổ công tác phải phát hiện và kịp thời yêu cầu cơ sở có biện pháp khắc phục; kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm về PCCC theo Nghị định 123/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Đơn vị tiếp tục phối hợp với các ngành, công an địa phương tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, hướng dẫn thực tập phương án chữa cháy tại chỗ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện đảm bảo thường trực và chữa cháy có hiệu quả ngay từ khi đám cháy mới phát sinh. Tổ chức lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng chiến đấu, cứu chữa các vụ cháy, nổ có hiệu quả, chủ động phòng cháy, sẵn sàng chữa cháy, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng.