Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 51-KL/TW, ngày 29/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI):

Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế

Ngày 29/10/2012, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ban hành Kết luận số 51 KL/TW về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Để thực hiện có kết quả các nội dung Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động với các nội dung như sau:

I/ Tình hình giáo dục và đào tạo của tỉnh trong thời gian qua

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp; trong điều kiện ổn định về chính trị cùng với những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội, các cá nhân cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo; phát huy truyền thống hiếu học của nhân dân và sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nên sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục có bước phát triển nhanh. Chất lượng giáo dục ở các cấp học có nhiều chuyển biến theo hướng tiến bộ. Công tác quản lý giáo dục có những chuyển biến tích cực. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì và tăng cường. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng về số lượng, từng bước được nâng cao về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu. Học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách được quan tâm. Loại hình giáo dục tư thục phát triển, đa dạng hóa các hình thức đào tạo và thu hút được nhiều người học.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giáo dục và đào tạo vẫn còn một số hạn chế: Chất lượng và hiệu quả giáo dục còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, còn chênh lệch giữa các vùng, miền trong tỉnh. Công tác quản lý Nhà nước về giáo dục có mặt còn hạn chế; phân công, phân cấp chưa hợp lý, sự phối hợp thiếu đồng bộ và chưa thường xuyên, chặt chẽ. Giáo dục kỹ năng sống chưa được coi trọng đúng mức, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa dạy chữ với dạy người, dạy nghề; giáo dục mầm non và giáo dục ở miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. Phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá chưa đồng bộ, phương tiện giảng dạy còn thiếu, quỹ đất để xây dựng mới hoặc mở rộng diện tích trường, lớp học theo chuẩn quốc gia còn thiếu. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, xử lý chưa nghiêm. Giáo dục đại học, chuyên nghiệp và đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Cơ chế chính sách thiếu đồng bộ và chậm sửa đổi. Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa được đầu tư đúng mức. Vẫn còn tình trạng lạm thu trong một số cơ sở giáo dục, tiêu cực trong dạy thêm, học thêm chưa được khắc phục triệt để. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa nhiều, hiệu quả chưa cao. Công tác dự báo nhu cầu và xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở còn bất cập. Công tác khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế.

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung chủ yếu vào các nguyên nhân cơ bản sau đây: Các cấp ủy đảng, chính quyền và cơ quan chức năng chưa nhận thức và thực hiện đầy đủ quan điểm “Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của nhân dân” và “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Tư duy về giáo dục chưa thực sự đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển của đất nước trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Các chính sách chưa đủ mạnh, thiếu nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục.

II/ Quan điểm, mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020

1/ Quan điểm

- Phát triển giáo dục đào tạo tỉnh Ninh Thuận được đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển giáo dục-Quy hoạch phát triển nhân lực của quốc gia và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh đến năm 2020.

- Phát triển giáo dục đào tạo bền vững, toàn diện, đồng bộ cả về quy mô, chất lượng, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Phân bố và phát triển hệ thống, mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo hiện có một cách thiết thực, hiệu quả và phù hợp với phân bố dân cư và kinh tế trong tỉnh.

- Tăng cường đổi mới quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh. Đổi mới quản lý giáo dục một cách toàn diện, từ tư duy đến phương pháp và tổ chức bộ máy; đa dạng hoá và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục đào tạo; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề.

2/ Mục tiêu chung

- Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một yêu cầu khách quan và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay của tỉnh ta. Trong đó, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo bao gồm: đổi mới về tư duy, cơ chế quản lý; về mục tiêu, nội dung phương pháp dạy và học; về đội ngũ nhà giáo; về cơ sở vật chất, trang thiết bị... trong toàn hệ thống (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, đào tạo nghề).

- Phát triển giáo dục đào tạo một cách bền vững, toàn diện, đồng bộ cả về quy mô, chất lượng, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên; bảo đảm học sinh trong độ tuổi đi học được đến trường đạt tỷ lệ cao nhất; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.

- Bảo đảm đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ; có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao; đáp ứng yêu cầu về đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học.

- Phấn đấu xây dựng tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm giáo dục đào tạo trên một số ngành, lĩnh vực có lợi thế, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

3/ Mục tiêu cụ thể

3.1/ Mục tiêu đến năm 2015:

- Giáo dục Mầm non: Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tỷ lệ trẻ mẫu giáo học 2 buổi/ngày đạt 75%.

- Giáo dục tiểu học: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 30%. Phấn đấu có 50% học sinh cấp tiểu học được học 2 buổi/ngày trong giai đoạn 2012-2015.

- Giáo dục trung học cơ sở: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 30%.

- Giáo dục trung học phổ thông: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 25%; đạt chuẩn phổ cập trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%, trong đó đào tạo nghề đạt 33%.

3.2/ Định hướng đến năm 2020:

- Giáo dục mầm non: Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt 20%; tỷ lệ trẻ mẫu giáo học 2 buổi/ngày đạt 85%.

- Giáo dục tiểu học: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50%; tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 90%.

- Giáo dục trung học cơ sở: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50%.

- Giáo dục trung học phổ thông: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, trong đó đào tạo nghề đạt 45%.

III/ Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các nội dung của Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), Kết luận Trung ương 6 (khóa IX) và Thông báo kết luận 242-TB/TW, ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:

1/ Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục, tạo sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nhất là đổi mới về tư duy, cơ chế quản lý giáo dục đào tạo; đổi mới mục tiêu, nội dung phương pháp dạy học; về xây dựng đội ngũ nhà giáo; về cơ sở vật chất, trang thiết bị... trong toàn hệ thống giáo dục đào tạo.

2/ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng của giáo dục và đào tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, ưu tiên đầu tư trước cho giáo dục.

3/ Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011-2020, trong đó tập trung: Thực hiện tốt công tác xây dựng, phát triển trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, khai thác cơ hội thu hút nguồn lực có chất lượng. Chấn chỉnh uốn nắn những hạn chế yếu kém trong đào tạo hệ vừa làm vừa học, trong đào tạo liên thông, liên kết.

4/ Triển khai mạnh mẽ quy hoạch nhân lực ngành giáo dục và đào tạo, tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng sau:

- Thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” để học sinh học tập, noi theo.

- Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức tác phong cho đội ngũ nhà giáo và học sinh, sinh viên. Xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực của ngành; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, tuyển dụng hợp lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện tốt chế độ chính sách của nhà giáo.

- Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, công tác thi cử, kiểm tra đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên. Phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học. Khắc phục ngay các biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm, học thêm; việc lạm thu và sử dụng không đúng mục đích trong các cơ sở giáo dục.

- Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục. Thực hiện có hiệu quả công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục.

5/ Triển khai các giải pháp tích cực và đồng bộ nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, củng cố kết quả giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn; tăng cường dạy và học ngoại ngữ, tin học trong hệ thống giáo dục quốc dân; chuẩn bị đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

6/ Tổ chức tốt việc sơ, tổng kết thực hiện những Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn liên quan đến chế độ chính sách đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

7/ Thường xuyên rà soát bổ sung quy hoạch, kế hoạch xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Bảo đảm quỹ đất để xây dựng trường học có các công trình vệ sinh, cảnh quan, sân chơi đúng quy định và theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia.

8/ Thực hiện công bằng và bình đẳng trong phát triển giáo dục đào tạo giữa các vùng miền, các tầng lớp dân cư và giữa đồng bào các dân tộc; ưu đãi phù hợp cho phát triển giáo dục ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

IV/ Tổ chức thực hiện

1/ Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, các cơ sở giáo dục tổ chức tốt việc học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ đảng viên và nhân dân về các nội dung cơ bản Kết luận số 51- KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Chương trình hành động của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh và địa phương, đơn vị. Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, kế hoạch triển khai cụ thể, sát thực tế, sát đối tượng để tổ chức thực hiện đạt kết quả.

2/ Đảng đoàn HĐND tỉnh tăng cường chỉ đạo giám sát, rà soát, bổ sung và ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy định của pháp luật về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, gắn nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững ở địa phương.

3/ Ban cán sự Đảng UBND tỉnh khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ tỉnh ủy; chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung và cụ thể hóa các cơ chế chính sách đổi mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, làm cho giáo dục và đào tạo thực sự là động lực để phát triển kinh tế của tỉnh.

4/ Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ phối hợp với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn triển khai, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy.