Vì sao đến nay tỉnh ta vẫn chưa xây dựng được lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung?

(NTO) Toàn tỉnh hiện có 70 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động. Trong đó, nhiều nhất là Tp.Phan Rang – Tháp Chàm với 27 cơ sở, tiếp đến là huyện Ninh Sơn 20 cơ sở, Ninh Hải 13, Ninh Phước 4 và các huyện: Thuận Bắc, Thuận Nam, Bác Ái mỗi huyện có 2 cơ sở. Bình quân mỗi ngày các cơ sở giết mổ khoảng 165 con heo; 145 con dê, cừu, 24 con bò và 260 con gia cầm.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là trong số 70 cơ sở giết mổ kể trên thì chỉ có 2 cơ sở đạt yêu cầu, được Chi cục Thú y cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú ý, 68 cơ sở còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận vì không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định của Bộ NN&PTNT, như: Vị trí cơ sở giết mổ nằm trong khu vực dân cư; diện tích mặt bằng hẹp không đủ diện tích để bố trí các công đoạn giết mổ theo quy định; trong khu sản xuất không bố trí riêng biệt giữa khu sạch và khu bẩn; quy trình và việc xử lý nước thải, chất thải không đạt yêu cầu...

Người tiêu dùng khó nhận biết được thịt heo bán ở các chợ được giết mổ
tại những cơ sở có giấy phép kinh doanh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm! Ảnh: CTV

Đồng chí Phạm Đình Hải, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh khẳng định: Hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ta hiện nay đều nằm ngay trong khu dân cư, gây ồn ào, ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Đặc biệt, việc xử lý nước thải, chất thải trong quá trình giết mổ đều không thực hiện đúng quy định, chủ yếu thải ra sông, kênh mương, hệ thống thoát nước công cộng nên rất gây ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng trên, năm 2002, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 241/QĐ phê duyệt “Đề án quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2002 – 2005”, với mục đích nhằm đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, giữ sạch môi trường sinh thái, đặc biệt là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau nên gần 8 năm, kể từ khi Đề án được phê duyệt các địa phương vẫn chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung. Trước sự chậm trễ trên, cuối năm 2009 và đầu năm 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản và tờ trình kiến nghị UBND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện đề án. Trên cơ sở kiến nghị và đề xuất của Sở NN&PTNT, ngày 31-3-2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 665/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2010 – 2015”. Theo đó, toàn tỉnh sẽ có 17 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gồm: Tp.Phan Rang – Tháp Chàm 4 cơ sở; huyện Ninh Hải 3; Thuận Bắc 3; Ninh Sơn 3; Ninh Phước 2 và hai huyện Thuận Nam, Bác Ái, mỗi huyện 1 cơ sở.

Để đề án được triển khai hiệu quả, ngoài việc ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án, quy định về chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, tỉnh ta cũng đã cử cán bộ các địa phương đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh Long An, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các địa phương lại gặp khó khăn trong việc lựa chọn, tìm kiếm địa điểm, nên dẫn đến tình trạng chậm trễ và kéo dài như hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Long Biên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: Địa phương đã ba lần tổ chức khảo sát để lựa chọn địa điểm xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung nhưng đều chưa được bởi vướng rất nhiều khâu. Thứ nhất, những vị trí có thể xây dựng được cơ sở giết mổ thì đã nằm trong vùng quy hoạch từ trước, còn các vị trí chưa đưa vào quy hoạch thì lại không phù hợp với các quy định của đề án. Vì vậy, chúng tôi rất mong các sở, ngành, nhất là Sở Xây dựng cần quan tâm phối hợp giúp địa phương sớm lựa chọn, quy hoạch được địa điểm vừa đảm bảo đủ điều kiện quy định của đề án, vừa đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Theo quy định của đề án, tất cả các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đều phải đảm bảo cách khu tập trung dân cư 100m, tiện đường giao thông và diện tích xây dựng phải đạt từ 500 m2 – 3.000 m2 (tùy thuộc vào quy mô giết mổ). Nếu chiếu theo quy định này thì hiện các địa phương rất khó tìm được vị trí xây dựng. Vì vậy, chủ trương của ngành Nông nghiệp là phấn đấu làm sao mỗi huyện, thành phố chỉ xây dựng được một cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là đề án đã thành công. Với sự nỗ lực của các ngành và địa phương, đến nay có 2 địa phương là huyện Ninh Phước và Tp.Phan Rang – Tháp Chàm đã quy hoạch được địa điểm để xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Trao đổi với chúng tôi về biện pháp xử lý trong thời gian tới, đồng chí Phạm Đình Hải cho biết thêm: Việc kiên quyết loại bỏ các điểm, cơ sở giết mổ không đúng quy định, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, gần khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường là việc làm rất cần thiết. Vì thế, ngoài việc thường xuyên phối hợp đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các vi phạm, các ngành, địa phương cần nhanh chóng triển khai việc xây dựng các lò giết mổ tập trung đạt tiêu chuẩn, để vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, còn tạo điều kiện để các hộ kinh doanh hành nghề lâu dài, ổn định. Trước mắt, khi các địa phương chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung, Chi cục Thú y sẽ thường xuyên cử cán bộ thú y bám sát địa bàn để thực hiện việc kiểm dịch, khâu vệ sinh trước và sau khi giết mổ; phối hợp các ngành, địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ kinh doanh giết mổ nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, góp phần đảm bảo môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.