Cô giáo Phạm Thị Trâm, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy

(NTO) Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy không phải là “chuyện mới” ở các trường học trong tỉnh. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng soạn giáo án phục vụ giảng dạy nhờ áp dụng công nghệ thông tin như cô giáo Phạm Thị Trâm, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Phước Nam (Thuận Nam) thì chưa nhiều.

Quê ở tỉnh Gia Lai, năm 2006, Phạm Thị Trâm tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Trường Đại học Đà Lạt và về Ninh Thuận công tác. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, nên chỉ trong một thời gian ngắn, cô đã tiếp cận được công nghệ thông tin áp dụng vào giảng dạy.

Cô giáo Phạm Thị Trâm luôn là người dịu dàng, bình dị của các em học sinh ở trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm

Theo cô giáo Phạm Thị Trâm, đối với bộ môn Ngữ Văn, việc truy cập tư liệu để tìm nhiều hình ảnh sinh động minh họa cho tác phẩm là điều quan trọng. Qua đó, giúp học sinh hiểu sâu, nắm chắc nội dung tác phẩm. Như trong tác phẩm “Sang thu” của tác giả Hữu Thỉnh, ở chương trình kỳ II của lớp 9. Tác phẩm này thể thiện khoảng khắc giao mùa cuối hạ - đầu thu ở miền Bắc. Ở tỉnh ta, khí hậu chỉ có hai mùa nắng - mưa, các em học sinh rất khó cảm nhận để phân tích tác phẩm. Nếu không lên internet để lấy tư liệu hình ảnh về mùa thu cho các em xem để hiểu thì các em cũng khó cảm nhận sâu sắc tác phẩm.

Cô giáo Não Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: “Cuối năm học 2011- 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo về trường thanh tra việc đổi mới phương pháp dạy học - áp dụng công nghệ thông tin. Qua tiết dạy của cô Trâm, đoàn kiểm tra đánh giá rất cao về phương pháp giảng dạy. Lớp cô Trâm chủ nhiệm năm nào cũng dẫn đầu trong toàn trường. Nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và tỉnh. Năm học vừa qua, Sở Giáo Dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi “Nhà giáo tình yêu và trách nhiệm”, cô Phạm Thị Trâm đã đóng góp công sức không nhỏ để tập thể trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đoạt giải nhì toàn đoàn.”