Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: Phạm Thị Quyền

(NTO) Sinh năm: 1896. Quê quán: Phước Hậu, Ninh Phước. Có 3 con liệt sĩ: Phạm Minh; Phạm Tám; Phạm Thị Chín

Cụ Lại Thị Mạnh người thân duy nhất còn lại của Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Quyền (con dâu của Mẹ) vừa bước qua tuổi 80. Tuy đã vào “ngưỡng thượng thọ” nhưng cụ Mạnh vẫn tỏ ra khá minh mẫn. Và những gì mà cụ Mạnh kể với chúng tôi hoàn toàn như lời “chứng thực” cho những tư liệu lưu trữ của ngành LĐ-TB&XH về cuộc đời của Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Quyền.

Sinh ta tại vùng quê nghèo Trường Sanh, thuộc thôn Thuận Thành-An Phước (nay là thôn Trường Thọ-xã Phước Hậu-huyện Ninh Phước), năm 1912, cô thôn nữ Phạm Thị Quyền lập gia đình với anh trai làng Phạm Phước, khi vừa tròn 18 tuổi. Những năm cuối của thập niên 30,trước khí thế sục sôi của phong trào cách mạng, cùng với chồng và con dâu, Mẹ Quyền tần tảo sớm hôm, vừa gánh vác công việc gia đình vừa tổ chức nuôi giấu cán bộ cách mạng, trong đó có 2 người con trai của Mẹ là Phạm Minh, Phạm Tám cùng thoát ly tham gia du kích địa phương. Khoảng thời gian này, địch “đánh hơi” được các hoạt động của gia đình Mẹ nên nhiều lần bắt bớ, tra khảo, mong tìm kiếm cơ sở mật của ta. Gian truân là vậy, nhưng Mẹ vẫn nguyện một lòng theo Đảng, không hề hé môi, dù chỉ nửa lời… Mẹ Quyền lại hăng hái tham gia phong trào phụ nữ xã, góp một phần công sức để bảo vệ chính quyền cách mạng đang còn non trẻ. Niềm vui của Mẹ chưa trọn thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cả nước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Hơn bao giờ hết, bằng tất cả tấm lòng với Đảng, Mẹ lại động viên các con thoát ly gia đình lên chiến khu. Suốt những năm từ 1946-1950, qua chỉ điểm của bọn Việt gian bán nước, thực dân Pháp nhiều lần phục bắt. Nhưng với sự mưu trí, gan dạ của mình, Mẹ Quyền đã khéo léo qua mắt bọn chúng để tiếp tế lương thực, thuốc men cho cán bộ cách mạng, phục vụ kháng chiến. Năm 1950, các anh Phạm Minh, Phạm Tám lần lượt sa vào tay giặc và hy sinh. Biến đau thương thành hành động. Mẹ lại động viên người con gái út Phạm Thị Chín đã đến tuổi trưởng thành tham gia du kích xã. Một năm sau đó, nữ du kích Phạm Thị Chín cũng anh dũng hy sinh trong một lần đưa đón cán bộ cách mạng. Cụ Lại Thị Mạnh bồi hồi nhớ lại: Có lẽ nỗi ray rứt nhất của Mẹ Quyền trước lúc đi xa (tháng 7-1952) là chưa được chứng kiến niềm vui ngày toàn thắng của dân tộc…

Một đời hy sinh, một đời cống hiến, công lao ấy của Mẹ Phạm Thị Quyền đã được Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu cao quý: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vào ngày 24-4-1996.