Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: Trần Thị Nhung

(NTO) Sinh năm: 1908. Quê quán: Phước Hữu, Ninh Phước. Có chồng và 2 con liệt sĩ: Nguyễn Hùng (chồng); Nguyễn Hổ; Nguyễn Mạo

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thôn La Chữ, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước có 93 liệt sĩ, 261 gia đình có công cách mạng, 27 thương-bệnh binh và 6 mẹ liệt sĩ vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng và phong tặng danh hiệu Nhà nước cao quý: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong bảng vàng thành tích đó, có sự đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng lớn lao của Mẹ Trần Thị Nhung. Đến nay tuy Mẹ không còn nữa, nhưng tinh thần mưu trí, dũng cảm đấu tranh chống lại giặc thù luôn được nhân dân địa phương khắc sâu, là bài học giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ noi theo.

Khi về lại thôn La Chử để viết về chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Nhung một điều làm tôi xúc động và hết sức tự hào là mọi người dân tại đây đều biết rất rõ vể Mẹ. Tuy gia đình Mẹ giờ đây không còn người thân nào sống tại làng, nhưng qua tìm hiểu chúng tôi được biết cách đây vài năm ông Nguyễn Cung người con trai út của Mẹ - năm 1954 tập kết ra Bắc lập gia đình và sinh sống tại Hà Nội đã đưa Mẹ về ngoài đó phụng thờ. Hình ảnh của Mẹ duy nhất chỉ còn thờ tại nhà Truyền thống của thôn. Nhưng qua lời kể của dì Năm Anh, nguyên là chủ tịch hội phụ nữ xã Phước Hữu chúng tôi càng hiểu về Mẹ, về những năm tháng hoạt động cách mạng đầy gian khổ và những hy sinh mất mát mà Mẹ phải gánh chịu trước sự tàn ác của giặc thù.

Mẹ Nhung có chồng và 2 con hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cụ Nguyễn Hùng, cán bộ Việt minh đã nằm xuống trong một trận chiến đấu với giặc Pháp năm 1947. Hai con của Mẹ: đồng chí Nguyễn Hổ, Nguyễn Mạo là bộ đội thuộc Trung đoàn 81 cũng lần lượt hy sinh. Theo lời kể của chú Năm (chồng dì Năm Anh)-người tham gia hoạt động cùng thời gian với hai con Mẹ, đồng chí Nguyễn Mạo đã anh dũng hy sinh trong trận đánh đường giao thông tại khu vực Quán Thẻ-Bà Gia (QL1A xã Phước Minh, huyện Ninh Phước hiện nay). Khi hay tin chồng và các con hy sinh, mặc dù nỗi đau xé nát ruột gan, nhưng trước mặt kẻ thù Mẹ không hề nao núng (để tránh bị địch nghi có chồng, con hoạt động cách mạng). Nén chặt nỗi đau, ngăn dòng nước mắt, Mẹ lại tiếp tục làm cơ sở Cách mạng tại làng. Ban ngày Mẹ lam lũ làm thuê, cấy mướn để kiếm miếng cơm, lại vừa tìm cách liên lạc nắm bắt thông tin từ cơ sở. Ban đêm Mẹ không ngại hy sinh gian khổ móc nối cơ sở tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội ta đánh địch. Có lần bị mật thám phát hiện, bắt Mẹ lên đồn tra tấn hỏi cung, hầu phát hiện cơ sở của ta. Mẹ tương kế tựu kế, mưu trí thoát khỏi tay giặc. Cũng qua lời kể của dì Năm Anh, lần đó Mẹ chạy trốn vào rừng (ranh giới do phía ta kiểm soát, địch không dám bố ráp) phải nằm chờ đến ba ngày đêm. Suốt trong thời gian đó Mẹ can đảm chịu đói khát, đến khi gặp được người của ta thì Mẹ đã kiệt sức, cán bộ phải nhỏ từng giọt nước cháo Mẹ mới dần hồi phục. Sau đó Mẹ được cán bộ đưa lên CK7 chiến đấu cùng đồng đội. Đến năm 1966, vì sức khỏe yếu Mẹ được tổ chức đưa về làm cơ sở Cách mạng tại làng Sơn Hải. Sau đó vài năm do chính sách “Dồn dân lập ấp chiến lược” của địch, Mẹ buộc phải di tản về tại Phan Rang một thời gian. Đến khi liên lạc được với tổ chức Mẹ lại được phân công về tại làng La Chữ tiếp tục hoạt động… Cũng qua lời kể của Dì Năm Anh, do bị bệnh nặng nhưng không được chạy chữa kịp thời, vì lúc bấy giờ sống trong vòng vây của địch, Mẹ mất vào năm 1974.

Với những đóng góp hết sức to lớn cho cách mạng cả trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Mẹ vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cao quý: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vào năm 1994.