Bà mẹ Việt Nam Anh hùng:Nguyễn Thị Nhân

(NTO) Sinh năm: 1899. Quê quán: Phước Hữu, Ninh Phước. Có 5 con liệt sĩ: Đặng Thái Luôn; Đặng Thái Đợt; Đặng Thái Mọn; Đặng Thị Xành; Đặng Thái Phong

Trước khi đọc những dòng tư liệu trong cuốn sổ vàng truyền thống của địa phương, người cán bộ chính sách của xã Phước Hữu đã cho chúng tôi biết được phần nào về truyền thống cách mạng của gia đình Mẹ - người Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhân ở thôn La Chữ, Phước Hữu, Ninh Phước. Đó là một gia đình có cả chồng, vợ, con, dâu, rể đều tham gia hoạt động Cách mạng từ những ngày thực dân Pháp đô hộ cho đến khi đế quốc Mỹ xâm lược.

Qua câu chuyện của bà Nguyễn Thị Đồng - người chiến sĩ cộng sản có hơn 50 năm tuổi Đảng, người con dâu thứ hai của Mẹ, chúng tôi có thể hình dung được phần nào những ngày tháng gian lao cũng như tinh thần chiến đấu kiên cường vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc của Mẹ Nhân. Thời con gái, trước cảnh nước mất nhà tan, Mẹ Nhân quyết định thoát ly theo cách mạng. Được sự điều động của tổ chức, Mẹ lên hoạt động ở chiến khu CK7. Nơi ấy, Mẹ đã gặp và kết duyên cùng với anh Đặng Thái Gia - một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Mẹ sinh được 9 người con. Với dòng máu căm thù giặc được truyền từ Mẹ và cha, tất cả những người con của Mẹ khi lớn lên đều đi theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, cống hiến cho một mục tiêu chính nghĩa là giải phóng quê nhà. Năm 1947, trong một trận đánh vào làng, hai người con trai của Mẹ là Đặng Thái Đợt và Đặng Thái Mọn đã hy sinh. Quặn thắt tâm can, nhưng Mẹ đã kịp biến nỗi đau riêng thành hành động. Những ngày tháng sau đó, Mẹ tiếp tục động viên chồng và các con giữ vững lập trường và lý tưởng cách mạng, đấu tranh cho đến ngày được độc lập, tự do. Năm 1954, khi cả nước sục sôi khí thế chuẩn bị cho trận đánh Điện Biên Phủ lịch sử, quân và dân Ninh Thuận phối hợp tiến đánh địch. Trong trận đánh ở Phước Thiện-Phước An năm ấy, người đội viên du kích chống Pháp mang tên Đặng Thái Luôn- người con thứ ba của Mẹ Nhân đã anh dũng ngã xuống. Lần thứ hai, Mẹ khóc vì con. Nhưng bóng giặc vẫn còn, con đường chính nghĩa mà Mẹ cùng chồng và các con bước theo chưa về đến đích. Mẹ lại tiếp tục công tác và động viên các con góp sức mình vào cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, thực dân Pháp rút khỏi nước ta. Thay vào đó là bước chân xâm lược của đế quốc Mỹ. Chúng đàn áp dã man và tàn bạo hơn. Hiểu được trọng trách của những người con trước vận mệnh của đất nước, Mẹ không ngại ngần để các anh, các chị trở lại hoạt động kháng chiến. Bản thân Mẹ thì gắn với công việc của một cán bộ cơ sở cách mạng. Rồi tuổi già sức yếu, năm 1962 Mẹ qua đời. Nghe lời dặn của Mẹ trước lúc qua đời, những người con thân yêu là Đặng Thái Đệ, Đặng Thị Sách, Đặng Thị Xành, Đặng Thị Lùn, Đặng Thái Phong không ngừng tranh đấu và hoàn thành tốt công tác được giao. Trong chuyến công tác qua làng Hậu Sanh, người cán bộ hoạt động kinh tài Đặng Thị Xành lại hy sinh. Nhưng đó cũng chưa phải là lần cuối cùng con mất. Năm 1972, trung đội phó Quân đội nhân dân Việt Nam Đặng Thái Phong- người con út của Mẹ lại ngã xuống.

Thế là năm người con của Mẹ đã hy sinh. Để ghi nhận công lao của Mẹ, năm 1994 Nhà nước đã truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho Mẹ Nguyễn Thị Nhân-người Mẹ có 5 người con là liệt sĩ trong suốt thời kỳ chống Pháp và Mỹ.