Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: Nguyễn Thị Nghĩa

(NTO) Sinh năm: 1895. Quê quán: Thái Giao, Phước Thái, Ninh Phước. Có 3 con liệt sĩ: Nguyễn Văn Tá; Nguyễn Văn Móc; Nguyễn Thị Chín

Bà Nguyễn Thị Huê, năm nay 83 tuổi, con gái đầu của Mẹ Nguyễn Thị Nghĩa, lưng đã còng, tai đã nặng, nhưng khi kể về mẹ mình. Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nghĩa thì giọng nói rõ ràng, có lớp lang.

Chuyện kể rằng: Mẹ Nghĩa sinh năm 1895, quê gốc ở Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, Mẹ và cha gặp nhau tại Ninh Hòa rồi vào làm ăn sinh sống tại làng Thái Giao, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước. Cha mẹ sinh tất cả 5 chị em: 3 gái, 2 trai. Năm 1933, cha mất vì cơn bệnh ngặt nghèo. Mẹ con ở với ông bà. Hàng ngày, bà con trong làng Thái Giao này, cũng như bà con người Chăm bên Như Bình, Hoài Trung thấy một người phụ nữ xinh đẹp đi mua lúa quanh vùng về làm gạo gánh qua các làng Phước Thiện, Ninh Quý bán kiếm chút lời nuôi con. Cùng thời gian này, các con của Mẹ lần lượt tham gia kháng chiến chống giặc Pháp. Anh Nguyễn Văn Tá lúc này là cán bộ hoạt động trong thôn. Anh Nguyễn Văn Móc, vào du kích, chị Nguyễn Thị Chín, liên lạc, dân công.

Bấy giờ tại nhà Mẹ ở có đào hầm bí mật để cán bộ cơ sở về hàng đêm hội họp, tổ chức vận động phong trào. Có một ngày, năm 1947, anh Tá cùng hai cán bộ về nhà hội họp, bất ngờ Tây ập vào bố ráp, 3 người xuống nấp dưới hầm, không ngờ chúng phát hiện hầm và bao vây. Một hàng lính đứng sắp hàng bao vây trước sân, sát khí đằng đằng một tên Pháp đứng trước cửa hầm gọi hàng. Ở dưới 3 người đã thủ tiêu tài liệu, và chuẩn bị tinh thần quyết tử. Lũ giặc gọi hàng không được, xuống hầm áp giải lên. Một cán bộ bị bắn chết tại cổng ngõ, còn anh Tá và một cán bộ, chúng bắt trói và giải về nhà lao Phan Rang.

Mẹ lo sợ cho con trai vô cùng. Bà Huê, người con gái đầu của Mẹ, là chị anh Tá, chuẩn bị gạo, vịt, hột vịt lộn đem xuống nhà lao để mua chuộc chúng đừng tra tấn anh em. Chúng nó không cho vào thăm. Mấy hôm sau, giặc đày 2 người đi Cam Ranh và bị thủ tiêu mất tích từ đó. Có bạn tù về kể rằng: khi vào tù anh Tá đang mặc quần dài, thấy anh em không có gì che thân, anh cắt hai ống quần chia cho các anh em may khố dùng tạm với nhau.

Riêng anh Móc tham gia du kích và đã hy sinh cũng trong năm 1947 trên chiến khu, nay đã quy tập hài cốt về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

Chị Chín đi dân công, chị hy sinh trong trường hợp 7 chị em đi chung, bị pháo giặc Mỹ ngụy dập và cả 7 hy sinh năm 1960. Mộ chôn tập thể đang ở vùng Ma Ram.

Lại nói về Mẹ. Khi cả nhà mất mát, đau thương trong khói lửa chiến tranh, con gái Mẹ (bà Huê) lấy chồng ở xã Phước Hậu, đã đem Mẹ về nuôi. Tính Mẹ vui là thế mà nay đã trầm lắng sau những biến cố đau thương của gia đình. Người cháu ngoại của Mẹ, chị Nguyễn Thị Sơn, sinh năm 1962, kể rằng: hồi ngoại còn sống, chiều chiều bà ra lan can ngồi ngoáy trầu, mắt hướng về làng Thái Giao, bà nói nhớ làng, nhớ xóm mình quá!

Từ đó trí Mẹ dần lẩn thẩn. Năm 1990, con rể của Mẹ mất và cùng năm đó Mẹ cũng ra đi về cõi vĩnh hằng.