Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa

(NTO) Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 2.656 ca tiêu chảy cấp, tăng 9,4%; bệnh lỵ 517 ca, tăng 52,5%; sốt rét 924 ca, tăng 9,3% và tay-chân-miệng 336 ca, tăng 35,5% so với cùng kỳ. Bệnh sốt xuất huyết với 140 ca tuy có giảm nhưng nguy cơ sẽ tăng lên vào mùa mưa. Chính vì vậy, công tác giám sát tình hình dịch bệnh được Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện thường xuyên, chặt chẽ.

Qua ghi nhận, bước vào mùa mưa năm nay, lượng bệnh nhân mắc các bệnh theo mùa như bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa… đến điều trị và nhập viện tại Bệnh viện tỉnh có chiều hướng tăng mạnh, đặc biệt bệnh nhân là trẻ em chiếm số đông. Chỉ tính riêng trong tháng 8 và 9, bệnh viện đã tiếp nhận gần 1.000 lượt bệnh nhân, trong đó, số ca sốt siêu vi, cảm cúm, thương hàn, tay-chân-miệng… tăng đột biến. Bác sĩ Lê Thị Bích Anh, Khoa Nhi cho biết, trung bình mỗi ngày, khoa chúng tôi tiếp nhận hơn 20 lượt bệnh nhân điều trị nội trú các bệnh dạng viêm phế quản, hen, tiêu chảy và tay-chân-miệng. Bệnh nhân đông phải bố trí cho 2-3 cháu nằm một giường. Ngoài công tác điều trị bệnh viện còn kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách chủ động phòng một số bệnh thường gặp trong mùa mưa và phòng bệnh mùa đông cho trẻ”.

 
Mỗi ngày khoa Nhi-Bệnh viện tỉnh tiếp nhận hơn 20 ca mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và tay-chân-miệng.

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa năm nay, ngành Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và trung tâm y tế 7 huyện, thành phố tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, cụ thể: Chỉ đạo, theo dõi việc giám sát dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các ổ dịch cũ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời. Tăng cường công tác giám sát từ các phòng khám, khoa truyền nhiễm, phòng khám đa khoa khu vực đến trạm y tế xã và cộng đồng để phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, kịp thời thu dung điều trị bệnh nhân, đồng thời tiến hành các biện pháp xử lý dịch không để lây lan trên diện rộng. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cách phát hiện các loại dịch bệnh và các biện pháp dự phòng tại cộng đồng. Vận động nhân dân hàng tuần tổng vệ sinh môi trường, nhà ở... Triển khai tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ phòng, chống dịch cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện và cơ sở. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất và trang thiết bị cần thiết, khi xảy ra dịch phải triển khai khẩn cấp các biện pháp chống dịch và thực hiện nghiêm túc chế độ khai báo thông tin, báo cáo thường xuyên.

Theo đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai đến đội y tế dự phòng tuyến cơ sở tăng cường giám sát, phát hiện các ca bệnh; công tác quản lý hóa chất, vật tư phục vụ phòng, chống dịch trong mùa mưa bão, nhất là tập trung ở các xã, phường trọng điểm ổ dịch năm trước. Y sĩ Nguyễn Thị Thanh Hồng, Trưởng trạm Y tế xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) cho biết: “Ngay từ đầu mùa mưa, Trạm đã tham mưu UBND xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền phòng, chống các bệnh thường gặp trong mùa mưa, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết và sốt rét. Theo đó, trạm đã tăng cường thu thập lam máu ký sinh trùng sốt rét và tẩm mùng bằng hóa chất phòng bệnh cho bà con ở các thôn. Cung cấp Cloramin B cho các cơ sở mầm non, mẫu giáo, trường tiểu học và gia đình có bệnh nhân tay-chân-miệng. Vận động nhân dân phát quang bụi rậm xung quanh nhà, đậy nắp lu, chậu chứa nước mưa, ngăn chặn ấu trùng lăng quăng, muỗi vằn…UBND xã cũng chỉ đạo các đoàn thể cùng phối hợp với trạm y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong mùa mưa lũ”.

Cùng với ngành Y tế, để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh rất cần sự phối hợp của chính quyền địa phương và người dân trong việc chủ động phòng bệnh; phát động ra quân dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, ao nước tù đọng ở khu dân cư sau những đợt mưa lớn nhằm hạn chế tình trạng bệnh bùng phát và lây lan thành dịch.