Doanh nghiệp với đời sống và việc làm của người lao động

(NTO) Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, chế độ ưu đãi… nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, do tác động kinh tế suy giảm tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người lao động trong tỉnh.

Từ tháng 10-2011, Nhà nước đã ban hành quy định tăng mức lương cơ bản cho người lao động tại các DN theo vùng. Theo đó, tỉnh ta được phân chia thành 2 vùng lao động: Vùng III, với mức lương tối thiểu 1.550.000 đồng/người/tháng, gồm các DN đóng trên địa bàn các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc và Tp.Phan Rang- Tháp Chàm; vùng IV, với mức lương tối thiểu 1.400.000 đồng/người/tháng, thuộc địa bàn các huyện còn lại.

 
Công nhân Công ty TNHH May tiến Thuận trong giờ sản xuất.

Việc tăng mức lương tối thiểu phần nào giúp người lao động giải quyết khó khăn trong tình hình trượt giá như hiện nay, nhưng điều đáng nói là cho đến nay nhiều DN vẫn chưa thực hiện nghiêm quy định này. Vừa qua, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã có cuộc kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại 22 DN khu vực ngoài Nhà nước, trong số đó còn 4 DN chưa nâng mức lương tối thiểu cho người lao động theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, hiện có nhiều doanh nghiệp áp dụng hình thức trả lương cho người lao động theo sản phẩm, khi tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn buộc DN cắt giảm sản xuất, thu nhập của người lao động vì thế cũng giảm theo. Chị Nguyễn Thị Trang, công nhân cắt tách vỏ hạt điều Công ty TNHH Phú Thủy than thở: “Làm việc ăn lương theo sản phẩm như chúng em khổ đủ đường. Gặp đợt hàng dễ làm, cố gắng lắm một ngày còn kiếm khoảng 100 ngàn đồng, còn đợt nào hàng khó thì cao tay cũng chỉ 70 ngàn đồng/ngày. Mỗi tháng thu nhập chưa đến 2 triệu đồng, cộng với vài triệu của chồng đi phụ thợ hồ làm sao đủ chi tiêu trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay! Thời gian gần đây, giá điều xuất khẩu giảm, hàng bán ra chậm nên các công ty hạn chế sản xuất, tụi em cũng làm việc cầm chừng, thu nhập giảm hẳn”.

Theo thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện mức lương bình quân của người lao động tại tỉnh ta là 3,3 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên mức lương chi trả theo đầu người lại không đồng đều, khoảng cách chênh lệnh giữa người cao nhất và thấp nhất quá lớn. Một số DN có thu nhập bình quân tương đối cao như Công ty Diageo Việt Nam 26 triệu đồng/người/tháng, Công ty CP Phát triển năng lương Thuận Phong 8,8 triệu đồng/người/tháng, trong khi đó nhiều DN thu nhập bình quân của người lao động chỉ bằng mức lương tối thiểu vùng, thậm chí có DN chỉ trả lương bình quân 1,1 triệu đồng/người/tháng. Tính đến đầu tháng 7-2012, tỉnh ta có 1.512 DN đăng ký kinh doanh với tổng số trên 23.000 lao động, nhưng chỉ có 1.156 DN hoạt động. Do làm ăn thua lỗ, 356 DN còn lại buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động. Điều này đồng nghĩa hàng ngàn công nhân lao động đang thiếu công ăn việc làm. Đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: Không chỉ khó khăn về thu nhập và việc làm, qua đợt kiểm tra trên nhiều DN chưa có ý thức chấp hành pháp luật lao động. Chỉ có 3 DN trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm theo đúng quy định, cá biệt có một vài DN chiếm dụng tiền BHXH, trích của người lao động nhưng không nộp như: Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Ninh Thuận đến nay nợ 266 triệu đồng (nợ 5 tháng), Công ty TNHH Vận tải Lộc Phát 349 triệu đồng (nợ 19 tháng), Công ty TNHH MTV Sao Mai Ninh Thuận 223 triệu đồng (nợ 29 tháng)…”.

Để vượt qua thời điểm khó khăn này, nhiều DN trong tỉnh thực hiện các biện pháp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống, việc làm cho người lao động. Công ty TNHH May Tiến Thuận có hơn 1.700 lao động, trong đó lao động nữ chiến trên 80%. Từ đầu năm đến nay, giá cả nguyên, phụ liệu sản xuất liên tục gia tăng, một số khách hàng cắt giảm số lượng sản phẩm đặt hàng gia công... Trước tình hình đó, đơn vị một mặt phối hợp các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện chủ trương tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất, đồng thời đầu tư trên 1,3 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị mới như máy ép đường may, máy cắt… để tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm tăng tính cạnh tranh. Nhờ đó, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động với mức bình quân 3,1 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Ông Trần Minh Trung, Giám đốc Công ty cho biết: “Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh, từ nay đến cuối năm, công ty sẽ tập trung tăng cường năng lực đội ngũ kỹ thuật nhằm phát huy, đưa nhiều sáng kiến cải tiến vào sản xuất, ứng dụng công nghệ LEAN vào 25 dây chuyền may, bảo đảm tiến độ gia công giao hàng đúng thời hạn với chất lượng sản phẩm cao, tạo uy tín với khách hàng. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ quản lý chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện các chế độ, chính sách, giúp người lao động an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với đơn vị”. Đối với Công ty CP Xây dựng Ninh Thuận, thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn do giá vật liệu xây dựng và sức tiêu thụ giảm mạnh. Đến nay, đơn vị có khoảng 30 triệu viên gạch tồn kho. Tuy nhiên công ty vẫn tiếp tục duy trì hoạt động 3 nhà máy sản xuất gạch, tăng cường khai thác hiệu quả các lĩnh vực thế mạnh khác như nhận thầu xây dựng các công trình… để bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Anh Trịnh Minh Chi, Phó Chủ tịch CĐCS công ty cho biết: “Ngoài sự nỗ lực của ban giám đốc, tổ chức công đoàn cũng luôn phối hợp tích cực làm công tác tuyên truyền, thường xuyên thông báo tình hình sản xuất, kinh doanh, vận động anh chị em công nhân tham gia các phong trào thi đua, tìm ra sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và được anh chị em nhiệt tình tham gia”.

Trong tình hình biến động kinh tế như hiện nay, bảo đảm việc làm, chăm lo đời sống cho người lao động là một việc làm hết sức cần thiết. Để thực hiện tốt điều này, ngoài sự nỗ lực của chính các DN, chính quyền các cấp cần làm tốt vai trò hậu thuẫn, có nhiều chính sách mới giúp các DN khắc phục khó khăn trước mắt, duy trì sự phát triển lâu dài. Các ngành chức năng cũng cần tích cực hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động tại các DN để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động.