Dịch cúm gia cầm hoành hành dữ dội

Trong khi dịch lợn tai xanh đang âm ỉ xuất hiện thì dịch cúm gia cầm lại bùng phát và liên tục phát sinh các ổ dịch mới.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC) chiều 7.8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần lo ngại dịch CGC sẽ diễn biến phức tạp, khó lường nếu không khẩn cấp có các biện pháp dập dịch.

 
Dịch cúm gia cầm đang lây lan rộng ở các tỉnh phía Bắc (ảnh minh họa).

“Ăn đong” vaccin

Theo ông Hoàng Văn Năm -Cục trưởng Cục Thú y, dịch CGC bắt đầu xuất hiện tại 4 tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ là Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Hải Dương, chủ yếu trên các đàn thủy cầm nuôi trong các hộ gia đình. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ở những tỉnh này, các ổ dịch liên tiếp phát sinh, lây lan nhanh, khó kiểm soát.

Tại Hải Phòng, dịch đã xảy ra ở 8 xã thuộc 5 quận, huyện. Tổng số vịt mắc bệnh, chết và phải tiêu hủy gần 70.000 con. Dịch cũng đã xuất hiện ở 2 huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà (Hà Tĩnh). Tại 2 tỉnh có dịch cũ là Quảng Bình và Hải Dương, dịch vẫn chưa được khống chế mà tiếp tục lây lan.

Hiện cả nước còn 2 tỉnh có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày là Nghệ An và Đăk Lăk.

Đặc biệt, ở Quảng Bình, trong vòng 2 tuần qua đã có thêm 2 huyện phát dịch là Quảng Trạch và Bố Trạch. Ở 2 huyện có dịch cũ là Quảng Ninh và Lệ Thủy các ổ dịch tiếp tục lây lan nhanh. Cục Thú y đã cấp 1 triệu liều vaccin để Quảng Bình tiêm bao vây ổ dịch.

Trong khi dịch CGC đang diễn biến khó lường thì Cục Thú y lại đang “đói” vaccin. Ông Năm cho biết, mặc dù 300.000 liều vaccin CGC đã sử dụng gần hết (chỉ còn 30.000 liều) thì vẫn chưa được Bộ Tài chính cấp tiền để chi trả cho các doanh nghiệp.

Ông Năm cho rằng Bộ Tài chính đang “làm khó” Bộ NNPTNT. Còn Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần không khỏi lo lắng, chủng virus CGC ở phía Bắc khác các tỉnh phía Nam, hiện hiệu lực vaccin chỉ đạt 50- 60% vì thế nếu không quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý việc tiêm phòng vaccin thì nguy cơ bùng phát mạnh dịch CGC khó tránh khỏi.

Xử lý nghiêm các đầu nậu

Dịch CGC trong nước đang diễn biến khó lường thì việc kiểm soát gà nhập lậu từ biên giới, nhất là ở Quảng Ninh và Lạng Sơn vẫn còn lỏng lẻo. Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, sau khi có liên tiếp 2 công điện của Thủ tướng chỉ đạo việc kiểm soát gà lậu, nhiều biện pháp đã được tăng cường. Tuy nhiên, đến nay, tình hình vẫn rất phức tạp, việc xử lý các vụ vi phạm so với thực tế còn ít. Còn theo đại tá Nguyễn Văn Lộc - Phó Cục trưởng Cục Y tế (Bộ Công an), hiện nay, Bộ Công an đã chỉ đạo công an 63 tỉnh thành vào cuộc, nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng vận chuyển gà lậu qua biên giới.

“Việc phòng chống dịch tai xanh, CGC ở một số địa phương còn chậm, tốn kém, hiệu quả thấp”.

          Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần

Về thực tế này, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh, nếu không kiểm soát được tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu thì việc khống chế dịch CGC sẽ rất khó khăn. Đặc biệt, việc gia cầm lậu “lấn sân” gia cầm trong nước có thể “giết chết” ngành chăn nuôi.

Theo Thứ trưởng Tần, về lâu dài, nên tăng trách nhiệm cho các địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh cũng như việc vận chuyển gia súc, gia cầm lậu. “Trước mắt, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương để kiểm soát ngay việc nhập lậu gia cầm qua đường biên giới. Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm một số những đầu nậu chuyên vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm nhập lậu”- Thứ trưởng Tần khẳng định.

Nguồn Danviet.vn