Ninh Sơn: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

(NTO) Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc có sừng, huyện Ninh Sơn đã từng bước nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi dựa vào những giải pháp ứng dụng khoa học- công nghệ (KHCN) và các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân.

Ông Phan Kế Vũ, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) huyện cho biết: “Nhằm tạo điều kiện cho nông dân ngày càng tiếp cận với tiến bộ khoa học- kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất, những năm qua, huyện đã chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN trên lĩnh vực nông nghiệp. Hàng năm, triển khai từ 2-3 đề tài, dự án ứng dụng KHKT từ nguồn kinh phí hoạt động KHCN cấp huyện, chủ yếu tập trung cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, trên địa bàn còn thực hiện nhiều mô hình ứng dụng do Sở KH-CN, Sở NN&PTNT, một số viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài tỉnh chuyển giao như: Trồng cây trên đất đồi dốc, trồng lúa nước, mì cao sản, cây điều ở xã Ma Nới; mô hình “1 vụ cá, 1 vụ lúa” ở Lương Sơn, Lâm Sơn; phát triển cây ăn quả chất lượng cao ở Lâm Sơn...”.

 
Cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông- Khuyến ngư Ninh Sơn hướng dẫn nông dân xã Lương Sơn
canh tác cây dưa hấu theo mô hình sản xuất nông sản sạch. Ảnh: Sơn Ngọc

Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, giai đọan 2006-2010 của Chương trình 135, Phòng NN&PTNT huyện Ninh Sơn đã xây dựng các mô hình nuôi cá nước ngọt, rau an toàn, nhân giống bắp lai, mô hình “1 vụ cá, 1 vụ lúa”, mô hình “3 giảm, 3 tăng” trên cây lúa, thử nghiệm giống bắp lai NK66, NK67 với mức hỗ trợ 40% kinh phí bao gồm: giống, phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Đẩy mạnh ứng dụng KH-KT trong năm 2011-2012, huyện đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới như nhân giống bắp lai NK67 tại xã Hòa Sơn; xen canh bắp-đậu ván ở xã Ma Nới; nuôi cá trê lai, nuôi dông trên đất cát pha và nuôi thử nghiệm cá điêu hồng thương phẩm ở Lương Sơn; trồng thử nghiệm măng tây xanh ở các xã Tân Sơn, Lâm Sơn và Nhơn Sơn; táo xanh giống Thái Lan ở Nhơn Sơn…Từ kết quả bước đầu cho thấy, việc ứng dụng KH-KT không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân.

Song song với các dự án, mô hình do địa phương làm chủ đầu tư, huyện Ninh Sơn còn phối hợp với Trung tâm Thông tin Ứng dụng tiến bộ KHCN - Sở KH&CN triển khai dự án “Mô hình phát triển nông nghiệp toàn diện vùng gò đồi hoang hóa cho đồng bào Raglai xã Ma Nới” và đề tài “Nghiên cứu một số giải pháp KHCN nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, có hiệu quả trên đất dốc miền núi”, giúp địa phương xác định được cây mì, cây mía có năng suất cao, phù hợp với vùng đất dốc, đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng chí Phan Hữu Đức, Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn cho biết: “Chủ trương của huyện trong thời gian tới là tăng cường hoạt động KHCN cấp huyện, tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất mới, dự án chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi. Hội đồng KHCN huyện sẽ tập trung lựa chọn những đề tài, dự án ứng dụng phù hợp với điều kiện cũng như tình hình thực tế, từng bước đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng, mang tính thực tiễn cao, nhất là các địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn”.