Việt Nam khẳng định quan điểm năng lượng tại Hội nghị Rio+20

Mở đầu các hoạt động của Đoàn cấp cao Việt Nam tại Hội nghị Rio+20 được tổ chức tại Brazil, tối 19/6 (giờ Rio de Janeiro), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã dự và có bài phát biểu tại phiên họp “Đánh giá năng lượng toàn cầu” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (thứ ba từ trái qua) dự phiên họp
“Đánh giá năng lượng toàn cầu” . (Ảnh: Chinhphu.vn)

Cùng dự phiên họp có Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hữu Vũ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Đăng Khoa, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm.

Tại phiên họp này, các đại biểu đã nghe về việc đánh giá năng lượng toàn cầu với sự tham gia của 3 tổ chức là Quỹ Môi trường toàn cầu, UNDP và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO). Bên cạnh đó cũng có những ý kiến và quan điểm về năng lượng của Bộ trưởng năng lượng các nước Bangladesh, Indonesia, Mozambique, Ghana và Hàn Quốc.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển và đổi mới của Việt Nam là sự phấn đấu của nhiều ngành, địa phương, cộng đồng, trong đó ngành năng lượng có vai trò quan trọng. Ngành năng lượng Việt Nam sau 20 năm qua đã phát triển mạnh trong tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối và xuất nhập khẩu năng lượng.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển hệ thống năng lượng đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, từng bước đời sống người dân ở thành phố và nông thôn, đảm bảo cho người dân nghèo có điều kiện được sử dụng điện với giá cả hợp lý.

Ở nông thôn, nếu như năm 1976 chỉ có 3% người dân được dùng điện, 14% năm 1992, thì đến 2008 cả nước có 97,24% số xã và 94,22% hộ nông dân được sử dụng điện lưới.

Tuy vậy, quy mô và hiệu quả ngành năng lượng còn thấp, biểu hiện ở chỉ tiêu năng lượng trên đầu người còn thấp xa với trung bình của thế giới. An ninh năng lượng Việt Nam chưa được bảo đảm, hiện tượng sa thải phụ tải điện xảy ra thường xuyên vào kỳ cao điểm. Việc đầu tư phát triển điện nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Từ ngày 1/7/2012, Việt Nam sẽ chính thức thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, định giá theo cơ chế thị trường. Đây sẽ là điều kiện quan trọng khuyến khích tư nhân đầu tư vào ngành điện để hoàn thành chỉ tiêu đề ra là đến cuối năm 2015 có 100% xã và trên 95% số hộ dân nông thôn có điện sử dụng, trong đó có 90% số hộ nông thôn dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa.

Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn năng lượng trong giai đoạn từ 2015 - 2020 trở đi.

Nếu theo tiêu chí về năng lượng bền vững cho mọi người, Việt Nam cần cải thiện hiệu quả năng lượng thông qua thiết lập khung chính sách, đa dạng hóa các nguồn cung cấp và nhà đầu tư đồng thời cần quan tâm xem xét đến trợ cấp năng lượng, tìm phương thức thích hợp thúc đẩy năng lượng tái tạo, tìm các nguồn tài chính bổ sung để phát triển mạng lưới năng lượng đến các hộ dân.

Sử dụng hiệu quả năng lượng với chiến lược tăng trưởng xanh

Thực tiễn của Việt Nam cho thấy mục tiêu đáp ứng năng lượng cho tất cả có thể đạt được và đạt được một cách bền vững. Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh để phát triển kinh tế bền vững, sử dụng hiệu quả năng lượng và phát triển các loại hình năng lượng tái tạo mới. Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam là một trong những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ tin tưởng Việt Nam có thể đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực. Quá trình tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam sẽ góp phần nâng cao tính hiệu quả và định hướng lại hỗ trợ của nhà nước trong việc tiêu thụ, vận chuyển và sản xuất sạch, phát thải carbon thấp.

Tăng trưởng xanh sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam giải quyết những thách thức về môi trường và xã hội mà Việt Nam đang phải đối mặt khi thực hiện mô hình tăng trưởng mới.

Để phát triển năng lượng bền vững, Việt Nam cần sự hỗ trợ tài chính, công nghệ của cộng đồng quốc tế trong một số vấn đề sau: Phương pháp và quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia, vùng, địa phương; Các nghiên cứu để đảm bảo năng lượng giảm phát thải khí nhà kính trong ngành năng lượng đến năm 2050; Xác định các giải pháp để chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng thị trường; Các phương án đầu tư cho năng lượng tái tạo và phát triển năng lượng tái tạo ở vùng nông thôn; Các phương án năng lượng thay thế hiệu quả như năng lượng nguyên tử, gió, mặt trời; Chuyển giao công nghệ tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo. 

Nguồn www.chinhphu.vn