Cần 12 nghìn tỷ đồng xử lý chất thải y tế

Để thực hiện thành công Đề án Tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, Bộ Y tế cần nguồn kinh phí 12 nghìn tỷ đồng trong đó ¾ nguồn kinh phí này từ nguồn xã hội hóa.

Thông tin trên được ông Nguyễn Huy Nga – Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế - Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị triển khai Đề án Tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng 2020 vừa diễn ra sáng nay 12-6.

Theo đó, lộ trình này chia ra làm ba giai đoạn, căn cứ theo thực tế phát triển đô thị, thực tế phát triển hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh. Đề án tổng thể tập trung triển khai các dự án về thu gom, phân loại, giảm thiểu và lưu trữ chất thải rắn y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh; các dự án cải tạo và nâng cấp các lò đốt chất thải rắn y tế hiện có; đào tạo nhân lực quản lý và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại…

Thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cho thấy, lượng chất thải rắn y tế phát sinh hiện nay ở các cơ sở y tế khoảng 450 tấn/ngày, trong đó có 47 tấn/ngày là chất thải rắn nguy hại.

Có khoảng 95,6% bệnh viện thực hiện phân loại và 90,9 % bệnh viện tiến hành thu gom rác thải hàng ngày. Tuy nhiên, việc phân loại và thu gom vẫn còn chưa đúng quy định, vẫn còn hiện tượng phân loại nhầm chất thải gây nguy hiểm cho môi trường cũng như gây tốn kém trong việc xử lý.

Tỷ lệ bệnh viện có nơi lưu giữ chất thải y tế đảm bảo yêu cầu vệ sinh theo quy định mới đạt khoảng 45,3%.

Ông Nguyễn Huy Nga cho biết, nhiều cơ sở y tế có hệ thống xử lý chất thải nhưng đã xuống cấp. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải chưa được các bệnh viện đưa vào mức chi thường xuyên, gây khó khăn cho việc xử lý chất thải y tế. Ngoài ra, còn thiếu văn bản quản lý nhà nước về xử lý chất thải y tế. Năng lực giám sát, quan trắc môi trường trong các cơ sở y tế còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo nhandan.com.vn