Danh nhân Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898)

Trương Vĩnh Ký đọc và nói giỏi 15 ngôn ngữ phương Tây và 11 ngôn ngữ phương Đông, được giới học thuật xếp vào danh sách 18 nhà bác học đương thời của thế giới. Trương đã để lại 118 tác phẩm lớn nhỏ, kể cả tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Hán, không kể những di cảo dang dở. Điều đó chứng tỏ ông có một sức làm việc không biết mệt mỏi và một tri thức uyên bác, bách khoa.

Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6 tháng 12 năm 1837 tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Trương Vĩnh Ký thuở nhỏ học chữ nho, chữ La-tinh, rồi được chuyển qua học ở trường Pinhalu (Campuchia). Năm 1851 – 1858, Trương học ở Chủng viện Pinang (Malaysia), trung tâm đào tạo linh mục cho các nước Đông Nam Á. Trong quá trình học tập, ông tỏ ra "có khả năng thu nhận khác thường" các tri thức khoa học tự nhiên cũng như xã hội. Về nước, tháng 2-1859, ông được giám mục Lefèbre giới thiệu làm thông ngôn cho bộ chỉ huy Pháp ở Nam Kỳ. Năm 1863, làm phiên dịch cho phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp để “chuộc đất”. Năm 1868, làm chủ bút Gia Định báo và tờ An Nam chính trị xã hội. Năm 1876, khi Paul Bert sang làm Toàn quyền Đông Dương, ông làm cố vấn cho vua Đồng Khánh, được cử vào Viện Cơ mật của Nam triều. Paul Bert mất đột ngột, Trương bị bọn thực dân bỏ rơi. Ông về nhà ở Chợ Quán (Sài Gòn), viết sách nghiên cứu, làm báo, dạy ở trường Hậu bổ, sống trong cảnh túng bấn, bệnh tật cho đến cuối đời với tâm trạng buồn nản.

Các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký có thể chia thành 6 loại:

Nghiên cứu về địa lý và lịch sử.

Nghiên cứu về các bộ môn khác của ngành khoa học xã hội.

Biên soạn từ điển.

Dịch sách chữ Hán.

Sưu tầm, phiên âm truyện Nôm và các tác phẩm cổ Việt Nam.

Sáng tác thơ văn, bút ký.

Toàn bộ những công trình biên soạn của ông - kết quả của 40 năm miệt mài lao động – đã có những đóng góp nhất định cho một số ngành khoa học đương thời, nhất là với khoa ngôn ngữ học và khoa lịch sử. Riêng đối với văn học dân tộc và văn học Nam Bộ nói riêng, ông đã góp một phần có ý nghĩa trong việc sưu tầm, biên soạn, phiên âm với một ý thức trân trọng một loạt tác phẩm như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Đại Nam quốc sử diễn ca, Hịch Quản Định, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Trung nghĩa ca, Gia Định thất thủ vịnh, Chuyện đời xưa nhón lấy những chuyện hay và có ích, Chuyện khôi hài...

Trong bước giao lưu buổi đầu giữa hai nền văn minh phương Tây và phương Đông ở Việt Nam, trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn phương tiện, tài liệu mà làm được như vậy quả là một điều đáng trân trọng và khâm phục. Việc làm của ông còn là một đóng góp có ý nghĩa, nhất là về mặt nghiên cứu văn bản học sau này. Mặc dù hoạt động của họ Trương không thoát khỏi quan điểm "tùy thời" của tác gia lúc bấy giờ, nhưng công bình mà xét, toàn bộ những công trình nghiên cứu, biên soạn kể cả sách dịch hay phiên âm, với một khối lượng đồ sộ đã toát lên một tình yêu quê hương, đất nước, ý thức quý trọng vốn văn hóa dân tộc. Những công trình đó có giá trị tích cực đối với nhiều ngành khoa học hiện nay. Riêng cuốn Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi là "một tập bút ký hiếm hoi bằng chữ quốc ngữ của thế kỷ XIX, ít nhiều cho thấy khả năng viết văn xuôi tiếng Việt của Trương Vĩnh Ký so với thời đó(1). Tập ký mang một bút pháp đặt tả cụ thể, chi tiết và hiện thực, khác hẳn với bút pháp trung đại lúc bấy giờ.

Đây là đoạn tả cảnh hồ Gươm năm 1876 ở giữa Hà Nội: "Ngoài cửa sổ có cái hồ Gươm rộng lớn, giữa hồ lại có cù lao nhỏ có cất cái miếu Ngọc Sơn, cây cối in rợp huyền vũ coi tươi tốt. Nhà thiên hạ phố xá bao lấy cái miệng hồ. Hồ này ở tại ngoài cửa đông nam tỉnh thành. Người ta truyền rằng: vua Lê Thái Tổ ngự thuyền dạo chơi trên hồ, có con qui lớn nổi lên, vua lấy gươm chỉ nó, nó ngậm gươm lặn đi..."(2).

Còn đây là đoạn ghi chép của ông về khí hậu phía bắc: "Tháng chín, mồng chín có mưa thì được mùa, không mưa thì mất mùa." Có lời ngạn ngữ rằng: "Mồng chín tháng chín có mưa, thì con đi sớm về trưa mặc lòng. Mồng chín tháng chín không mưa, thì con bán cả cày bừa con ăn! Mùa đông rét lạnh, lại có thứ sương muối, hay hại cỏ cây lắm, rét buốt da tay chân như kim châm"(3).

Lối viết bằng chữ quốc ngữ cách đây hơn một thế kỷ như vậy là khá trong sáng. Với cách quan sát và diễn đạt tinh tế, dễ hiểu, Trương Vĩnh Ký là một trong số tác gia Nam Bộ viết văn xuôi bằng chữ quốc ngữ đầu tiên, có đóng góp vào tiến trình phát triển của văn học dân tộc. Bình luận về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Phan, tác giả quyển Nhà văn hiện đại, viết: "Ông có cái óc của nhà bác học, vì ngay trong ông đã để ý tìm tòi đối với những điều trông thấy, ông không chịu chỉ biết qua loa mà muốn biết đến tận nơi, tận chốn”(4). Xin lưu ý một điều là, theo quan niệm văn chương thời ấy - thời Trương Vĩnh Ký – “viết quốc ngữ mà viết trơn tuồn tuột như lời nói, ai cũng cho là dễ dàng, đã được kể là văn đâu”(5).

Nguồn bentre.gov.vn
Chú thích
(1) Từ điển văn học, Nxb KHXH, H., tập II, tr. 465.
(2) Bản in của nhà hàng C. Guillaud et Martinon, S., 1881, tr.6.
(3) Bản in của nhà hàng C. Guillaud et Martinon, Sđd, tr.6.
(4) Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, tập 1, Nxb KHXH, H., 1989, tr. 21.
(5) Vũ Ngọc Phan, Sđd.