Sông Dinh quê hương

(NTO) Những ngày đầu tháng năm, chúng tôi có dịp gặp gỡ những người con Ninh Thuận về quê nghỉ lễ sum họp gia đình. Số đông các anh chị em học hành thành đạt làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Sinh sống giữa phố phường đô hội, các anh da diết gởi nhớ về quê hương, xóm làng Ninh Thuận. Nhớ những mùa nho chín đỏ rực cành. Nhớ cánh đồng thẫm vàng lúa chín. Nhớ tính cách người quê chân tình mến khách. Đặc biệt, các anh chị nhớ con sông Dinh hiền hoà xanh mát tạo thành một nét duyên dáng trữ tình trên miền đất Phan Rang tràn đầy nắng và gió.

Xanh trong một góc Sông Dinh, đoạn chảy qua cầu Móng thuộc địa phận phường Bảo An

Theo các nhà nghiên cứu khí tượng thuỷ văn cho biết con sông Dinh ngày xưa có tên là sông Mai Nương. Từ thượng nguồn đến cửa sông đổ ra biển Đông dài trên 100 cây số. Sông Dinh phát nguyên từ dãy núi cao ngất phía Tây Bắc có tên là sông Tô Hạp. Từ ngã ba sông Tô Hạp thuộc xã Phước Bình hợp lưu với suối Gia Nhong thuộc xã Phước Hoà (huyện Bác Ái), con sông Dinh bắt đầu mang tên sông Cái. Lòng sông cạn có nhiều tảng đá chồng chất tạo nên gềnh thác trắng xoá vào mùa mưa. Cách cầu Ninh Bình khoảng 5 cây số, con sông Cái tiếp nhận một phụ lưu tả ngạn là sông Ma Lâm. Qua khỏi Ninh Bình chừng 2 cây số, sông Cái lại tiếp nhận một phụ lưu phía hữu ngạn là sông Krông Pha (sông Ông). Trước khi đổ ra biển Đông, sông Dinh còn tiếp nhận các phụ lưu sông Ta Mo, sông Chá, sông Quao, sông Lu...

Phù sa sông Dinh bồi đắp cho những mùa vàng no ấm.
Trong ảnh: Mùa thu hoạch lúa của nông dân xã Phước Hậu chủ động tưới từ dòng nước kênh Nam

Về phía đồng bằng sông Cái được dân gian đổi tên thành sông Dinh do nó chảy qua tổng Kinh Dinh, nơi đóng đại bản doanh của cơ quan hành chính tỉnh Ninh Thuận thời Pháp thuộc. Riêng người dân các xã Phước Thuận, Phước Sơn còn gọi sông Dinh là sông Thuông. Hiện nay, trên bản đồ khí tượng thuỷ văn con sông Dinh được gọi là sông Cái Phan Rang. Từ thuở xa xưa, người dân địa phương đã biết đắp đập ngăn dòng chảy của sông Dinh vào mùa mưa lấy nước tưới cho những cánh đồng màu mỡ thuộc các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải, thành phố Phan Rang- Tháp Chàm. Đến những năm 1960, sau khi công trình thuỷ điện Đa Nhim hoàn thành đã bổ sung nguồn nước quan trọng trong mùa khô phục vụ sản xuất, sinh hoạt của hàng trăm ngàn cư dân phía hạ nguồn sông Dinh. Nhà nước đang đầu tư nhiều tỉ đồng xây dựng hệ thống đê bê tông xi măng chống sạt lỡ đôi bờ sông Dinh. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ dòng sông quê hương mãi mãi trong xanh cho những mùa hoa thơm, trái ngọt.

Nguồn nước sông Dinh tưới cho hàng chục ngàn hecta cây trồng đạt năng suất cao.
Trong ảnh: Mùa thu hoạch nho đỏ của nông dân xã An Hải.

Con sông Dinh hiền hoà trữ tình đã trở thành một phần máu thịt nuôi lớn tâm hồn, cốt cách của người dân quê Ninh Thuận. Nhiều người làm thơ đã gởi gắm nỗi nhớ niềm thương về dòng sông Dinh như là một biểu tượng thiên nhiên tươi đẹp của quê hương. Tôi rất thích những câu thơ tác giả Nguyễn Thành Lê viết về sông Dinh. Chữ nghĩa tuy mộc mạc nhưng đã gởi trọn tất lòng với quê hương làm lay động lòng người:

Sông Dinh có bảy nhịp cầu
Bên bồi, bên lở. Bên sầu bên vui.
Ai ra xin nhắn giùm tôi.
Không thương không nhớ thì thôi đừng về!
                                         (Nhớ sông Dinh)

Hoàng Công Tâm có những câu thơ đẹp viết về sông Dinh- vùng đất một đời duyên nợ gắn bó với cuộc đời anh:

Anh lội ngang dòng sông quê em
Khom người xuống vốc nước trong rửa mặt
Ngước nhìn lên khoảng không xanh ngắt
Trời quê em ửng một sắc đầy xuân
                              
(Bài thơ viết ở Thuận Hoà)

Tác giả Nguyễn Tri lưu luyến trước hình tượng cô lái đò ngang đưa khách qua sông Dinh:

Cô lái đò ngang trên bến nước
Dịu dàng đưa khách buổi bình minh.
                          
      (Sông Dinh)

Khi viết về Ninh Thuận, tác giả Trần Đình Sơn da diết với màu nước xanh thanh bình sông Dinh lấp lánh ánh vàng trăng trữ tình:

Sông Dinh xanh mát đất trời
Đạo Long gợn ánh trăng rơi... rơi vàng.
                         
       (Yêu Ninh Thuận)

Từ ngày xưa đến ngàn sau, sông Dinh mãi mãi là dòng sông quê hương làm nên một dáng vẻ rất riêng giữa lòng thành phố Phan Rang- Tháp Chàm. Từ dòng sông này đã bồi đắp phù sa cho đôi bờ nho xanh lúa tốt nuôi lớn bao lớp người nặng nghĩa sâu tình với sông Dinh. Con sông quê hương là mạch nguồn hiền hoà làm nên tâm hồn, khí khách người dân địa phương giàu lòng yêu nước, son sắt, thuỷ chung.