Phương pháp rèn luyện kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn (tiếp theo)

(Tiếp theo và hết)

3. Kỹ năng làm bài văn nghị luận văn học

Học sinh chú ý các dạng đề nghị luận văn học (về tác phẩm - đoạn trích thơ, văn xuôi; nghị luận về một ý kiến bàn về văn học). Cần thể hiện trong bài làm những hiểu biết khái quát về tác giả, tác phẩm (nên để ở phần đầu của bài viết) cũng như đánh giá, nhận xét, nâng cao vấn đề (nên để ở cuối bài viết).

Điều học sinh phải chú ý là đề thi sẽ không hỏi một vấn đề lớn trong một văn bản mà có thể chỉ hỏi một ý nào đó nhưng đòi hỏi học sinh vẫn phải nắm chắc văn bản mới làm được ý nhỏ trong văn bản đó. Ví dụ, trước kia đề thi có thể hỏi: Phân tích nhân vật Mỵ hay yêu cầu thể hiện giá trị hiện thực, nhân đạo của tác phẩm nhưng nay có thể chỉ hỏi một ý nhỏ như phân tích tâm trạng của nhân vật Mỵ khi cởi dây trói cho A Phủ hay trong đêm tình mùa xuân. Xin nhắc lại: việc đọc kỹ văn bản rất quan trọng.

Ở bài nghị luận văn học, phải thật sự hiểu và cảm được văn bản tác phẩm. Làm văn là trình bày những hiểu biết của mình về những vấn đề của tác phẩm, làm sao cho người đọc thấy được cái hay, cái đẹp và những vấn đề tư tưởng mà thông qua tác phẩm nhà văn, nhà thơ muốn đề cập. Vì thế, phải đọc kỹ văn bản văn xuôi, ghi nhớ những dẫn chứng cần thiết; thơ thì phải thuộc nằm lòng, không thuộc không thể cảm được thơ.

Học tốt môn văn không thể một sớm một chiều mà phải có quá trình và ôn luyện thường xuyên. Nắm vững từng vấn đề tác phẩm, hiểu được tư tưởng mà tác giả đề cập... Tuyệt đối không học thuộc lòng bài văn mẫu. Bởi lẽ “mẫu” không phải là “mẫu mực” và cũng không thể nhớ hết. Một điểm nữa học sinh cần lưu ý là tất cả các hệ thống bài văn mẫu bán rộng rãi trên thị trường thường phân tích từ đầu đến cuối một tác phẩm nhưng khi đi thi đề thi chỉ hỏi một ý. Hơn nữa đề thường rất đa dạng, đòi hỏi học sinh phải tư duy, phải biết lập dàn ý sao cho phù hợp. Chỉ nên đọc văn mẫu trên tinh thần tham khảo để có thêm tư liệu, học cách triển khai, diễn đạt và làm giàu cho vốn ngôn ngữ của mình. Và chỉ đọc sau khi đã nắm kỹ nội dung kiến thức cơ bản mà mình được học, tránh sa đà, học theo sự cảm nhận của người khác.

Trước khi bắt tay vào làm bài văn, nhất thiết phải lập dàn ý đại cương đề hình dung hệ thống lập luận (luận điểm, luận cứ, trình tự sắp xếp các ý...).

Để đáp ứng được yêu cầu của đề thi, khi làm bài, cần vận dụng kiến thức văn học sử, lý luận văn học vì đây là kiến thức công cụ giúp học sinh kiến giải, vận dụng... khi đứng trước một hiện tượng văn học.

Kiến thức hỏi trong bài thi có thể không khó nhưng kỹ năng khó hơn vì vậy nếu không rèn luyện để viết bài ngắn và xúc tích nhưng đủ ý thì học sinh sẽ không thể đạt được điểm cao.

Phải biết bố trí hợp lý thời gian hoàn thành cho từng câu. Bố trí thời gian và lượng viết cho cân đối. Không nên quá sa đà vào từng câu, phải biết mức độ yêu cầu từng câu.