Tổng kết Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải

Ngày 30-11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng chủ trì tổ chức tổng kết Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải. Buổi tổng kết được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tại điểm cầu tỉnh ta, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.

Dự án được WB phê duyệt vào tháng 5-2017, có hiệu lực từ tháng 1-2018, triển khai thực hiện tại 4 tỉnh: Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa và Ninh Thuận, với tổng vốn đầu tư 273 triệu USD; trong đó WB hỗ trợ 236 triệu USD, vốn các tỉnh đối ứng 37 triệu USD. Dự án nhằm mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ vệ sinh và cải thiện hiệu quả hoạt động của các đơn vị công ích tại các thành phố tham gia. Dự kiến, sau khi hoàn thành, sẽ có khoảng 1 triệu dân được hưởng lợi. Đến cuối tháng 10-2021, tổng vốn giải ngân WB là 47 triệu USD, tương đương 20% tổng vốn. Vốn cam kết của các hợp đồng đã ký là 101 triệu USD, tương đương 42%. Đến nay, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan nên một số hạng mục công trình chậm tiến độ.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh ta.

Tỉnh Bình Định được đánh giá đạt yêu cầu, với 15/16 hợp đồng được ký kết, hoàn thành đạt 4/5 hoạt động, giải ngân được 12,12/50,1 triệu USD; Khánh Hòa đạt yêu cầu, với 13/16 hợp đồng được ký, hoàn thành đạt 4/5 hoạt động, giải ngân được 10,2/60,6 triệu USD; Quảng Bình chưa đạt yêu cầu một phần với 14/17 hợp đồng được ký, hoàn thành 3/5 hoạt động, giải ngân 12,1/50,2 triệu USD; Ninh Thuận được đánh giá chưa đạt yêu cầu, hoàn thành đạt 2/5 hoạt động, giải ngân được 6,3/75,3 triệu USD.

Phát biểu tại buổi tổng kết, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm thuộc dự án hết sức quan trọng đối với Ninh Thuận, có tác động tích cực rất lớn đối với vệ sinh môi trường, đô thị của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Nhìn nhận về những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong thực hiện tiểu dự án, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ ra các nguyên nhân chính: Bố trí vốn chậm đến 18 tháng, được chấp thuận tham gia dự án chậm 6 tháng so với các địa phương còn lại; ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt, đây là tiểu dự án nhóm A, khối lượng thi công lớn, nên các hạng mục điều chỉnh cần có sự phê duyệt từ các bộ, ngành trung ương. Tiểu dự án trải dài trên địa bàn 16 xã, phường toàn thành phố, ảnh hưởng tới hơn 1.700 hộ dân nên công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, thời gian qua, với quyết tâm cao, tỉnh đã nỗ lực, kiện toàn bộ máy triển khai thực hiện tiểu dự án, nhanh chóng rà soát các kiến nghị của WB, tổ chức nhiều cuộc họp để đánh giá tìm nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đến nay, một số hạng mục công trình của tiểu dự án đã hoàn thành, nhiều hạng mục đang được gấp rút triển khai. Đồng chí mong muốn WB và các bộ, ngành chia sẻ với những khó khăn của Ninh Thuận và cho phép tỉnh gia hạn thêm 18 tháng để hoàn thành các mục tiêu dự án đề ra, với ngày đóng hạn tiểu dự án được điều chỉnh là 30-6-2024 thay vì 31-12-2022 như kế hoạch đặt ra ban đầu.