Tăng trưởng tín dụng, tạo động lực phát triển kinh tế

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và hoạt động tín dụng. Tuy nhiên với sự quyết tâm của toàn hệ thống ngân hàng, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, an toàn và có bước tăng trưởng. Trong gần 10 tháng các tổ chức tín dụng (TCTD) đã huy động vốn tăng 10,86%; dư nợ cho vay tăng 8,63%, là tín hiệu vui, góp phần tạo đà để về đích các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh trong năm 2021.

Để đạt được kết quả đó, ngay từ đầu năm, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành một cách quyết liệt theo đúng tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Chỉ thị số 01/CT-NHNN của NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021; Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021; Quyết định số 02/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2021 của tỉnh. Ngoài ra, Chi nhánh NHNN tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn có các biện pháp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; xây dựng kế hoạch với các giải pháp thực hiện cụ thể, nhằm đảm bảo đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tính đến cuối tháng 10, các TCTD đã huy động vốn đạt 18.600 tỷ đồng, tăng 1.822 tỷ đồng, tăng 10,86% so với cuối năm 2020, bằng 98,9% kế hoạch năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 33.000 tỷ đồng, tăng 2.621 tỷ đồng, tăng 8,63% so với cuối năm 2020, bằng 94,4% kế hoạch năm 2021. Trong đó, dư nợ trên lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản 7.900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,94% trong tổng dư nợ, tăng 1.200 tỷ đồng, tăng 17,91%; công nghiệp - xây dựng 7.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,82%, tăng 385 tỷ đồng, tăng 5,65%; thương mại, dịch vụ 17.900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 54,24%, tăng 1.036 tỷ đồng, tăng 6,14% so với cuối năm 2020... Qua đó đã tiếp thêm nguồn vốn vào nền kinh tế của tỉnh để phục hồi sản xuất và giữ vững đà tăng trưởng trong bối cảnh dịch COVID-19.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Vietcombank Ninh Thuận. Ảnh: Phan Bình

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chi nhánh NHNN tỉnh đã quán triệt, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các TCTD trên địa bàn tăng cường phòng, chống dịch COVID-19; xây dựng phương án, kịch bản kịp thời ứng phó với những diễn biến phức tạp trong tình hình mới. Đã phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Qua đó đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 244 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với số nợ được cơ cấu lại là 376 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 70 khách hàng, với số tiền 86 tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho 32 khách hàng, số tiền 63 tỷ đồng. Để giúp các doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh, hộ gia đình phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh, các TCTD đã cho vay mới với doanh số 15.007 tỷ đồng; trong đó, khách hàng là DN 5.887 tỷ đồng; hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân 9.121 tỷ đồng...

Được tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH, nông dân xã Phước Sơn (Ninh Phước) đầu tư
phát triển mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hồng Lâm

Ngoài ra, Chi nhánh NHNN tỉnh còn chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn và tích cực triển khai các chương trình tín dụng trọng điểm, tạo điều kiện cho các ngành, địa phương ổn định và mở rộng sản xuất, tạo động lực tăng trưởng chung của tỉnh. Đến nay, qua thống kê, dư nợ cho vay trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 13.300 tỷ đồng, với 129.640 lượt khách hàng còn dư nợ; cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa mở rộng sản xuất, kinh doanh đạt 6.650 tỷ đồng; cho vay trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với dư nợ 1.400 tỷ đồng; cho vay DN ứng dụng công nghiệp cao, với dư nợ 220 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu, với dư nợ 810 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với doanh số từ đầu chương trình đến nay đạt 109,635 tỷ đồng; cho vay chương trình hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, dư nợ còn 370,6 tỷ đồng, với 43 tàu cá; trong đó, 13 tàu cá hoạt động có hiệu quả, trả gốc, lãi đúng theo cam kết, với dư nợ 104,87 tỷ đồng; 30 tàu cá hoạt động cầm chừng, với dư nợ 265,73 tỷ đồng...

Dự báo trong những tháng cuối năm tình hình dịch COVID-19 diễn biến còn phức tạp, các DN trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Trước tình hình đó, Chi nhánh NHNN tỉnh vừa tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN theo chiều sâu, gắn với triển khai các cơ chế chính sách, tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm và có thế mạnh của tỉnh. Song song đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, bền vững đi đôi với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý tốt nợ xấu; thực hiện công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng kịp thời, chặt chẽ, tuyệt đối an toàn, không để xảy ra sai sót, sự cố.