Nông dân An Hải vượt khó, tìm đầu ra cho sản phẩm trước tác động của dịch COVID-19

Xã An Hải (Ninh Phước) là xã đồng bằng, bãi ngang ven biển có tổng diện tích tự nhiên gần 3.100 ha, trong đó có khoảng 23,5% diện tích là đất cát bạc màu thuộc các thôn Tuấn Tú, Nam Cương và Hòa Thạnh, nơi hình thành vùng trồng rau an toàn có diện tích 198 ha. Ngoài ra, tại đây còn được biết đến là vùng chuyên canh măng tây xanh với diện tích 110 ha. Cũng như các địa phương khác, trước tác động của dịch COVID-19, nông dân xã An Hải đang nỗ lực tìm cách đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định sản xuất.

Theo nhiều nông dân cho biết, rau màu các loại (cải trắng, cà rốt, hành, é, ngò, dưa hấu...) trồng ở địa phương đều thu hoạch đúng vào đợt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19 nên giá có giảm. Đơn cử như 5 ha cà rốt thu hoạch (Hòa Thạnh: 1 ha, Nam Cương: 4 ha), giá bán đã giảm từ 10.000 đồng/kg xuống còn 5.000 đồng/kg. Để có đầu ra, ngoài việc bán cho thương lái, thôn Nam Cương có 2 hộ (khoảng 1 ha) được một doanh nghiệp địa phương thu mua rồi cung cấp cho khu cách ly, phong tỏa ở TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong tỉnh. Củ cải vẫn tiêu thụ bình thường nhưng giá rẻ, từ 5.000 đồng/kg giảm còn 1.500-2.000 đồng/kg, hiện giờ còn 1.000 đồng/kg. Tìm hiểu tại thôn Tuấn Tú, nơi có khoảng gần 10 ha cải trắng, chúng tôi được biết do giá thấp nên việc tiêu thụ chủ yếu nhờ các tổ chức, cá nhân mua giúp rồi bán cho các chốt, các khu cách ly, phong tỏa và ủng hộ TP. Hồ Chí Minh. Một nông sản khác là dưa hấu, toàn xã có diện tích 40 ha, chủ yếu trồng tại thôn Tuấn Tú và Nam Cương, hiện giá dưa tại rẫy là 6.000 đồng/kg, vẫn tiêu thụ được nhưng đã hết vụ.

Người dân chăm sóc hành ở xã An Hải (Ninh Phước).

Rau màu tiêu thụ đã khó, măng tây xanh còn khó hơn. Đơn cử thôn Tuấn Tú có 87 ha măng tây xanh, trong đó có 70% đang thu hoạch rộ với năng suất 8-10 kg/sào, cá biệt có hộ đạt năng suất gần 20 kg/sào. Theo anh Kiều Thanh Thoàng, Trưởng thôn Tuấn Tú, trước đây mỗi người dân trong thôn bán trung bình 20 kg măng tây xanh/ngày, giá thấp nhất 40.000 đồng/kg, còn bây giờ giá trực tiếp tại thôn 20.000 đồng/kg, nhưng vấn đề là thỉnh thoảng vài ba ngày mới thấy người đến thu mua. “Bình thường có 10 kg bán được 400.000 đồng, còn nay bán tháo để gỡ gạc được 50% là mừng rồi - anh Quảng Đại Bình, thôn Tuấn Tú, có 1,5 sào măng tây xanh, chia sẻ. Thôn Nam Cương có 15 ha măng tây xanh cũng gặp trường hợp tương tự. Theo anh Trần Hợi, Bí thư Chi bộ thôn, người trồng măng tây xanh cho biết bán giá 20.000 đồng/kg là lỗ vốn, giá 30.000 đồng/kg còn tạm được. Nhưng nếu để măng tây xanh già thì uổng phí, mất thu nhập nên bà con cố bán vớt vát để có thu nhập đóng tiền điện, nước...

Trước tình hình tiêu thụ rau màu khó khăn, nông dân xã An Hải đang tìm cách tự tiêu thụ nông sản làm ra. Ở thôn Tuấn Tú, có anh Phan Thanh Luận, vốn quê Nhơn Hải (Ninh Hải) đến địa phương thuê 6 sào đất trồng hành đã được 5 năm, vừa rồi xuống giống diện tích 4 sào. Anh cho biết mùa này hành trồng 45 ngày là thu hoạch (nếu là hành củ), còn rau hành thì thu hoạch sớm hơn nửa tháng. Hành khó tiêu thụ nhưng anh có đầu ra vì nhờ mối liên kết thu mua sỉ và thu mua tại thị trường Quảng Ngãi. Lúc bùng phát dịch bệnh, giãn cách xã hội, hành giống có giá 7.000 đồng/kg nay lên 30.000 đồng/kg. Ngoài hành, anh Phan Thanh Luận còn trỉa đậu phộng trồng gần 2 sào theo hướng đón đầu khi thị trường tiêu thụ ổn định. Đậu phộng 3 tháng thu hoạch, 1 sào trung bình thu hoạch 7 tạ, trừ chi phí có thể lời khoảng 10 triệu đồng. Theo một nông dân trồng đậu phộng ở thôn Nam Cương, đậu phộng bán không được có thể phơi khô để lâu, đợi giá lên thì bán... Nhìn chung, trong khó khăn, từng nông dân An Hải tự tìm phương cách tiêu thụ nông sản thu hoạch.

Bên cạnh rau màu, An Hải còn có 70 ha nho, 85 ha táo trồng tại các thôn An Thạnh 1, An Thạnh 2 và Long Bình 1, Long Bình 2. Hiện đã thu hoạch trên 30 ha nho và 20 ha táo. Theo ghi nhận của chúng tôi, dù giá chỉ còn 10.000-15.000 đồng/kg nho, 7.000-8.000 đồng/kg táo, nhưng được là vẫn tiêu thụ bình thường, cụ thể rằm tháng 7 Âm lịch vừa rồi nho, táo thu hoạch bán rất chạy.

Theo đồng chí Hồ Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải, trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, trước mắt xã đã định hướng cho nông dân địa phương tiếp tục thu hoạch số diện tích rau màu, măng tây xanh còn lại, liên kết với các tổ chức, cá nhân tiêu thụ dần ở thị trường nội tỉnh. Đối với các diện tích rau màu, măng tây xanh đã thu hoạch xong, tập trung cải tạo đất, đợi sau ngày 5-9 vào vụ Mùa sẽ xuống giống. Để giúp các nông dân khó khăn, xã An Hải đề xuất với cấp trên tạo điều kiện cho bà con vay vốn tái đầu tư sản xuất. Theo hướng đón đầu, kết nối lại thị trường của các tỉnh, thành phố sau khi các nơi này kiểm soát được dịch COVID-19, An Hải kỳ vọng rau màu vụ Mùa sẽ tiêu thụ mạnh, giúp bà con tăng thu nhập, từng bước vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.