Đảm bảo hàng hóa thiết yếu khi giãn cách xã hội

Đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh dịch COVID-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp phải giãn cách xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay. Trước tình hình đó, Sở Công Thương đã triển khai nhiều phương án nhằm đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống, không để xảy ra tình trạng xáo trộn cuộc sống của nhân dân.

Hàng hóa dồi dào không lo thiếu

Những ngày vừa qua, do lo ngại trước tình hình hình dịch COVID-19 dẫn đến khan hiếm hàng hóa, nhiều người dân đã đổ xô đi mua sắm hàng hóa thiết yếu để dự trữ gây ra những xáo trộn nhất định cho thị trường. Theo Sở Công Thương hiện tại nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh vẫn dồi dào, giá cả ổn định. Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và đảm bảo trong công tác phòng chống dịch, Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, triển khai các phương án, kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác nguồn hàng, thực hiện công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh. Triển khai công tác rà soát nguồn cung và nhu cầu của địa phương, điều tiết hàng hóa đảm bảo phù hợp trong tình hình thực hiện Chỉ thị 16/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh. Trong đó thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với T.p Phan Rang – Tháp Chàm và huyện Ninh Phước; các huyện còn lại thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ban quản lý chợ Phan Rang kiểm tra phiếu đi chợ của người dân.

Sở đã triển khai kế hoạch đến các doanh nghiệp thương mại lớn trên địa bàn tỉnh để chủ động dự trữ nguồn hàng khá lớn. Theo đó, có 6 doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn, trong đó có 3 DN gồm: Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Sài Gòn- Phan Rang; Cty CP Lương thực Nam Trung Bộ và Công ty TNHH Dược phẩm-Thương mại Thy Thy thực hiện tạm ứng vốn bình ổn 16 tỷ đồng. Các DN chủ động khai thác nguồn hàng, tăng lượng hàng dự trữ theo danh mục hàng hoá thiết yếu như: Gạo, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ … Đáp ứng nhu cầu thị trường, cung ứng hàng hóa với giá bình ổn phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh.

Bà Đinh Thị Tường Vân, trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương, cho biết: đối với các DN, đơn vị tham gia bán hàng bình ổn giá, Sở yêu cầu rà soát, kiện toàn kế hoạch dự trữ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, sẵn sàng cung ứng cho thị trường; triển khai thực hiện nghiêm các hướng dẫn về phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống, đảm bảo thực hiện thông điệp 5K, sẵn sàng thực hiện kịch bản ứng phó với tình huống dịch ngay khi nhận được thông báo. Các đơn vị tăng cường dự trữ hàng hóa hợp lý, đảm bảo không thiếu hàng.

Các chợ thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19

Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng; đồng thời, để kiểm soát dịch COVID-19 được tốt hơn tại các chợ, Sở Công Thương triển khai các địa phương phối hợp rà soát các chợ trên địa bàn, đưa ra phương án thực hiện cụ thể, đối với các chợ cóc, chợ tự phát phải dừng hoạt động; đối với các chợ dân sinh trên địa bàn các huyện, đến nay đã thực hiện cập nhật Bản đồ an toàn COVID-19, nếu đủ điều kiện phòng chống dịch COVID-19 thì được tổ chức hoạt động nhưng chỉ gồm các quầy hàng lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó Ban quản lý các chợ phối hợp với các tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu, cung cấp nhu cầu cụ thể theo từng danh mục, lượng hàng bán hàng ngày tại chợ để kết nối vận chuyển, thực hiện phương án cung cấp đến chợ cho tiểu thương.

Chợ Phan Rang vẫn hoạt động và đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho bà con mua sắm.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các chợ Phan Rang, Phước Mỹ, Tháp Chàm trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban quản lý các chợ đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định phòng, chống dịch của các tiểu thương, người dân đến mua sắm. Chợ Phan Rang là chợ trung tâm của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm với 500 tiểu thương kinh doanh buôn bán. Thực hiện giãn cách xã hội Ban quản lý chợ đã tiến hành rà soát và cho nghỉ gần 400 tiểu thương kinh doanh hàng không thiết yếu, chỉ cho phép các ngành hàng thiết yếu được hoạt động như quày bán thịt heo, thịt bò, thịt gà, rau, củ…chợ cũng đã tạm thời đóng 7 cửa, chỉ để lại 3 cửa ra vào để làm công tác kiểm soát. Trong đó tất cả các chợ đều kiểm soát người dân đi chợ theo phiếu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ để phân luồng ra vào nhằm đảm bảo giám sát người ra vào chợ. Bên cạnh đó, tăng cường tuần tra, nhắc nhở và giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của người bán và người mua. Giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các chợ vẫn ổn định, không có dấu hiệu tăng so với nhiều ngày trước đó. Hay tại chợ Phước Mỹ cũng đã phong tỏa 2 cửa phụ, để phân luồng lối ra vào và tập trung nhân lực kiểm soát 2 cửa chính nhằm đảm bảo việc giám sát người dân ra vào chợ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Ông Nguyễn Viết Sửu, Trưởng Ban quản lý chợ Phước Mỹ cho biết: Trước đây toàn chợ có 70 tiểu thương hoạt động, sau khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, chúng tôi đã rà soát và cho nghỉ hơn 40 tiểu thương, chỉ cho các gian hàng cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu hoạt động. Từ ngày 19-7, Chợ bắt đầu quản lý bà con ra vào chợ theo phiếu, trên phiếu có ghi rõ ngày chẵn lẻ nhằm hạn chế tình trạng tập trung đông người. Đối với các tiểu thương, chúng tôi đã tiến hành khai báo y tế và lấy mẫu test nhanh, nếu có kết quả âm tính mới được vào bán. Hiện tại các mặt hàng thiết yếu ở chợ vẫn cung cấp đầy đủ hàng ngày cho người dân mua sắm, giá cả không biến động nhiều.

Chợ Phan Rang vẫn hoạt động cung cấp mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Chị Trần Thị Mộng Tuyền, ở Khu phố 2, phường Tấn Tài, chia sẻ: Tôi thấy việc phát phiếu đi chợ cho người dân trong thời điểm dịch COVID-19 đang phức tạp như hiện nay là rất cần thiết, nhằm hạn chế lây lan trong cộng đồng, nên chúng tôi đi chợ mua đồ cũng yên tâm hơn. Về thực phẩm và rau, củ tôi thấy khá dồi dào, phong phú, tình hình dịch bệnh phức tạp sẽ kéo theo khâu vận chuyển cũng khó khăn nên tôi thấy giá cả như hiện nay là ổn định. Hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát để cuộc sống trở lại bình thường.

Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Theo đó, tất cả các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động bình thường. Đồng thời chủ động nguồn hàng dồi dào với giá cả ổn định phục vụ mọi nhu cầu mua sắm của người dân, chỉ trừ một số ít chợ đang ngừng hoạt động do liên quan đến ca dương tính. Tuy nhiên, ngành Công Thương đã và đang cùng với các cấp, các ngành nỗ lực vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân trong mọi tình huống của dịch bệnh. Do đó, người dân không nên quá lo lắng dẫn đến việc tích trữ lương thực, thực phẩm không cần thiết gây lãng phí và mất cân đối cung, cầu trên địa bàn.