KỶ NIỆM 62 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG (3/3/1959-3/3/2021) VÀ 32 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (3/3/1989-3/3/2021)

Tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia

Việt Nam có đường biên giới đất liền dài khoảng 4.924 km, tiếp giáp với 3 nước: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia; có bờ biển dài hơn 3.260 km; có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ (trong đó có gần 2.800 đảo ven bờ) và 2 quần đảo lớn Hoàng Sa và Trường Sa, với nhiều đảo nổi, đảo chìm và hàng nghìn bãi đá ngầm.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, cần có một lực lượng vũ trang thống nhất, chuyên trách, vững mạnh về chính trị, chặt chẽ về tổ chức; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; hiểu biết sâu về pháp luật, có năng lực quản lý, bảo vệ biên giới, giới tuyến, nội địa bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu và tính chiến đấu vũ trang ở biên giới vùng biển, đảo của Tổ quốc. Ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”, sau này là lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Đây là nghị quyết đặc biệt, đầu tiên của Đảng về công tác biên phòng, nội địa và giới tuyến, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với lực lượng vũ trang chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa. Từ đó, ngày 3-3 chính thức trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang và Bộ đội Biên phòng (BĐBP) ngày nay.

Lực lượng Biên phòng tỉnh tăng cường công tác tuần tra trên biển. Ảnh: CTV

Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP luôn quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Đảng, tập trung xây dựng lực lượng chính quy, vững mạnh toàn diện, son sắt một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời tham mưu cho Nhà nước từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, tạo cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ biên giới phù hợp với xu thế phát triển hội nhập quốc tế. Tích cực nghiên cứu đổi mới toàn diện các biện pháp công tác; chủ động phối hợp với các ngành, các lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm về ma túy, buôn bán người, buôn bán tiền giả, vũ khí, chất nổ, buôn lậu và gian lận thương mại...; tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giúp đỡ nhân dân khu vực biên giới, vùng biển xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão lụt; chủ động đấu tranh góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; vừa giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo, vừa phát triển quan hệ giữa nước ta với các nước láng giềng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Đối với BĐBP Ninh Thuận, sau ngày tái lập tỉnh (1-4-1992), BĐBP Ninh Thuận chính thức đi vào hoạt, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Đảng ủy - Bộ Tư lệnh BĐBP, có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh tuyến biên giới biển với bờ biển dài 105 km, vùng nội thuỷ khoảng 12.000km2, lãnh hải khoảng 18.000km­­2, trên phạm vi hành chính của 15 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thành phố: Thuận Bắc, Ninh Hải, Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Phước và Thuận Nam.

Ngay từ ngày đầu tiếp quản cơ sở vật chất để đặt Sở chỉ huy gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ; nhà làm việc là nhà tạm của khu tập thể dạy nghề thị xã Phan Rang, trang bị làm việc thiếu thốn, 100% các đồn, hải đội biên phòng chưa được xây dựng cơ bản, 50% không có điện lưới quốc gia; các Đồn Vĩnh Hy, Sơn Hải đi lại khó khăn. Trong khi đó tổ chức biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, phần đông là mới do đó còn thiếu kinh nghiệm trong lãnh đạo chỉ huy, nghiệp vụ công tác chuyên môn; các trang thiết bị phục vụ cho những công tác trọng yếu của lực lượng còn thiếu. Bên cạnh đó khó khăn nhất là vấn đề giải quyết công tác tư tưởng, hậu phương gia đình cán bộ, chiến sỹ... Nhưng cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh đã đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn thử thách, tập trung xây dựng củng cố lực lượng vững mạnh toàn diện, đảm nhiệm tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh vùng biển của tỉnh trong mọi tình huống, luôn là lực lượng tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà.

Đại tá Vũ Đình Nhất, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận tặng quà động viên ngư dân
Cà Ná (Thuận Nam) tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: Văn Nỷ

Đặc biệt, từ khi Pháp lệnh BĐBP và Luật Biên giới quốc gia ra đời, đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng BĐBP là lực lượng giữ vai trò nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, BĐBP tỉnh Ninh Thuận đã có những bước phát triển mới, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh trên tuyến biển được giữ vững, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. BĐBP tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, trực tiếp đấu tranh có hiệu quả đối với các hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền; phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm buôn bán người, mua bán, tàng trữ sử dụng vật liệu nổ; phối hợp với các lực lượng đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm hình sự, ma túy, tệ nạn xã hội ở khu vực biên giới biển; thực hiện tốt chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên phòng.

Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng BĐBP Ninh Thuận luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhân dân và các lực lượng trong tỉnh quan tâm, giúp đỡ, qua đó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển của tỉnh nhà. Nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương và phần thưởng cao quý, tiêu biểu: có 6 tập thể, 12 lượt cá nhân được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 15 cá nhân được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì, Ba; 91 cá nhân được tặng Huy chương Quân kỳ quyết thắng; 277 cá nhân được tặng Huy chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; 5 tập thể, 12 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng; hằng trăm lượt tập thể được tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, Bằng khen của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, địa phương. Hàng ngàn lượt cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua, bằng khen, giấy khen của các cấp...

Kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống BĐBP, 29 năm thành lập BĐBP tỉnh Ninh Thuận là dịp để chúng ta nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò của công tác Biên phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hiểu rõ hơn truyền thống vẻ vang của lực lượng cùng những bài học kinh nghiệm quý báu qua 32 năm tổ chức “Ngày Biên phòng toàn dân”; đồng thời có quyết tâm cao hơn nữa trong việc thực hiện chủ trương, chính sách đúng đắn của Ðảng, Nhà nước về xây dựng nền Biên phòng toàn dân, huy động có hiệu quả sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trong đó BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách.