Hướng tới Đại hội XIII của Đảng Đảng lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển bền vững đất nước

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (1986) có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn, quyết định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để. Từ đó đến nay, qua các kỳ đại hội, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước luôn được khẳng định, thông qua những thành tựu to lớn của đất nước trong suốt 35 năm qua.

Vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 chứa đựng ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại to lớn, kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân trên đất nước Việt Nam, hoàn thành về cơ bản cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trên cả nước, non sông thu về một mối.

Sau ngày thống nhất, cả nước bước vào công cuộc xây dựng CNXH, phải đối diện với những thách thức, khó khăn gay gắt cả trong nước, khu vực và trên trường quốc tế. Nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, Đại hội VI của Đảng đã quyết định sự nghiệp đổi mới, coi đó là cơ sở khoa học để xác định đúng chính sách và cơ chế lãnh đạo, quản lý đất nước. Theo đó, Đảng ta quyết định thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần; đồng thời đổi mới chính sách xã hội, hướng vào những giải pháp nhằm cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân.

Trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước tiếp tục có những quyết sách rất quan trọng để vượt qua khó khăn, thách thức mới nảy sinh, đưa đất nước phát triển, điển hình như: Luật Đầu tư nước ngoài được Quốc hội khóa VIII thông qua tháng 12-1987, có hiệu lực từ ngày 1-1-1988, tạo động lực lớn cho thu hút đầu tư vào Việt Nam; Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (năm 1988) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, giao ruộng đất cho các hộ nông dân sử dụng lâu dài, tạo bước phát triển lớn chưa từng có trong nông nghiệp...

Trong thập niên 90 của thế kỷ XX, công cuộc đổi mới được triển khai tích cực. Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và Chiến lược ổn định, phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000. Đại hội xác định đường lối đối ngoại: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Đây là bước phát triển mới về nhận thức lý luận của Đảng. Thời kỳ này, đất nước chuyển mạnh sang phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN.

Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1-1994) chủ trương thúc đẩy CNH, HĐH xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thực hiện tốt các chính sách xã hội, nhất là xóa đói giảm nghèo, chính sách với người có công. Những vấn đề quan trọng đó tiếp tục được Trung ương bàn sâu và quyết định. Từ thực tiễn đổi mới, Đảng đã chỉ rõ 4 nguy cơ lớn: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước, nguy cơ chệch hướng XHCN, nguy cơ tham nhũng và nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Trong nhiệm kỳ khóa VIII, Trung ương Đảng quyết định chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo, phát triển khoa học-công nghệ (tháng 12-1996); chiến lược cán bộ (tháng 6-1997); đường lối phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (tháng 7-1998); tích cực thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia có trách nhiệm trong ASEM, APEC.

Thế giới bước vào thế kỷ XXI với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học- công nghệ, hội nhập và toàn cầu hóa, nhưng cũng có nhiều diễn biến phức tạp và thách thức khó lường, như: chiến tranh cục bộ, xung đột lợi ích, khủng bố... Trước tình hình đó, Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001) chủ trương phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; đề ra Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010, thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đại hội X của Đảng (tháng 4-2006) đã ban hành những nghị quyết quan trọng về đổi mới tổ chức bộ máy, cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị; về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020; chính sách kinh tế khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng giai cấp công nhân, công tác thanh niên, xây dựng đội ngũ trí thức; vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân, xây dựng nông thôn mới.

Đại hội XI của Đảng (tháng 1-2011) đề ra Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (2011-2020) với những mục tiêu dựa trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Đặc biệt, năm 2013, Trung ương chủ trương hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính trị; Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013; đẩy mạnh cải cách hành chính vì một nền hành chính hiện đại, minh bạch, có hiệu quả, chú trọng cải cách tư pháp.

Trải qua hơn 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng đã khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội (1996), vượt qua tình trạng một nước nghèo, kém phát triển (2008); đang đẩy mạnh CNH, HĐH. Đại hội cũng khẳng định quyết tâm tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Những thành tựu to lớn, toàn diện

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, làm biến đổi và phát triển đất nước cả về chính trị, kinh tế, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao và khẳng định vị thế của đất nước trong đời sống chính trị, kinh tế của thế giới.

Trên lĩnh vực kinh tế, đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh và ổn định. Mô hình tăng trưởng chú trọng phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế. Trong giai đoạn 2011-2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,3%, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong ASEAN. Năm 2020, dù phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn thuộc nhóm rất ít các nước có GDP tăng trưởng dương. Việc Việt Nam vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế, được truyền thông quốc tế đánh giá cao. Hãng tin Sputnik (Nga) ca ngợi Việt Nam là hình mẫu “anh hùng” đích thực của năm 2020, năm đã gây cú sốc chấn động với nền kinh tế toàn cầu và đời sống cộng đồng. Những thử thách mà Việt Nam đối mặt và vượt qua đã cho thấy sức mạnh kiên cường của nhân dân và sự sáng suốt của ban lãnh đạo đất nước, nhận được sự kính trọng, ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế và nâng cao uy tín của Việt Nam.

Cùng với phát triển kinh tế, việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người cũng có nhiều tiến bộ. Sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người đã được Đảng, Nhà nước quan tâm trong các chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Sự tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, tiến bộ xã hội đã tạo điều kiện để con người Việt Nam phát triển theo hướng toàn diện. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam (HDI) tăng đáng kể, từ năm 1990 đến 2019, HDI của Việt Nam tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới, năm 2019 xếp thứ 117 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với đó, quyền con người, quyền công dân được tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ. Việc thực hiện các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết và giúp nhau cùng phát triển đạt kết quả quan trọng.

Về đối ngoại, Việt Nam đã phá thế bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện. Quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong ASEAN được củng cố. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế. Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Về quốc phòng-an ninh, thành tựu cơ bản, bao trùm là giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ củng cố an ninh, quốc phòng với chống "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ; vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng phản động trong và ngoài nước lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, để gây mất ổn định...

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang đạt được một số kết quả tích cực. Số lượng đảng viên không ngừng gia tăng. Từ Đại hội lần thứ I (năm 1935) Đảng ta có khoảng 500 đảng viên đến Đại hội lần thứ XII (năm 2016) Đảng ta có hơn 4,5 triệu đảng viên. Nhiều đảng viên đã để lại nhiều tấm gương tốt thể hiện tinh thần tiên phong và tính gương mẫu. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng trưởng thành và có thêm kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng và bảo vệ đất nước trong hoàn cảnh mới. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước càng khẳng định vai trò lãnh đạo xuất sắc của Đảng và minh chứng rõ ràng Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Theo TTXVN