Những chuyển biến tích cực qua một năm thực hiện Nghị định 100

Sau 1 năm, kể từ khi Nghị định (NĐ) số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực với chế tài xử phạt nghiêm minh, có tính răn đe, ý thức khi tham gia giao thông của người dân ngày một tốt hơn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh.

“Liều thuốc” trị căn bệnh “vi phạm ATGT”

Mặc dù mới ban hành được 1 năm nhưng NĐ số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ và góp phần thay đổi ý thức của người tham gia giao thông. Nhờ đó, tình hình vi phạm các quy định về trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh giảm hẳn, đặc biệt là tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí và không xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.

So với các nghị định trước, NĐ 100 được ban hành, nhằm tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn như: mức phạt tối đa đối với người đi ô tô có nồng độ cồn lên đến 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22 – 24 tháng. Người điều khiển xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít khí thở bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng, tước GPLX từ 10 – 12 tháng, từ đó giúp người tham gia giao thông ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện NĐ 100, hành vi vi phạm về nồng độ cồn đã được lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời xử lý quyết liệt. Việc làm này đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng rất lớn từ Nhân dân.

Lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT.

Do công việc thường xuyên phải tiếp xúc nhiều người và di chuyển nhiều nên trước đây, Anh Nguyễn Quốc Tuấn ở phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), thường xuyên điều khiển ô tô về nhà khi đã uống rượu, bia. Thế nhưng từ khi NĐ 100 có hiệu lực, anh đều gọi tắcxi hay nhờ bạn chở về sau khi nhậu. Anh Tuấn cho biết: “Thông qua tin tức báo chí nói về những nội dung chủ yếu của Nghị định 100 mà tôi cũng hiểu và nắm bắt được. Về mức phạt nặng của NĐ tôi nghĩ là hợp lý, vì nhìn chung nếu uống rượu, bia mà điều khiển xe mà bị phạt tới mấy chục triệu thì sẽ khiến nhiều người không dám vi phạm kể cả những người đã từng rất “nhờn” luật, từ đó hạn chế được việc uống sa đà và giảm TNGT. Việc không trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi sử dụng rượu, bia cũng giúp hạn chế rủi ro cho bản thân và xã hội.”

Ngoài việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, NĐ 100 còn đòi hỏi cán bộ chiến sỹ của lực lượng cảnh sát giao thông phải nâng cao trách nhiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ, đáp ứng được nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về trật tự ATGT. Đồng thời, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát cũng đã kịp thời ngăn chặn được nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Cụ thể lúc 21h00 ngày 10-1-2021 tại km 1564+900 Quốc lộ 1A tổ tuần tra kiểm soát phòng BC08 thuộc Công an tỉnh phát hiện đối tượng N.M.T (SN 1979), trú tại xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa (Phú Yên) điều khiển ô tô tải đầu kéo mang BKS 78C – 040.88 với tốc độ cao vi phạm ATGT, qua kiểm tra thì tài xế đã vi phạm điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/lít khí thở theo quy định, đội đã ra quyết định xử phạt 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 28 tháng. Việc nâng cao mức phạt đã tạo ra sự răn đe, lời cảnh báo có sức mạnh giống như một “liều thuốc” để trị căn bệnh “nhờn” luật đối với người vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ATGT.

Chuyển biến tích cực từ Nghị định 100

Theo Thiếu tá Ngô Ngọc Nam, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (PC08), Công an tỉnh thì thành công lớn nhất từ khi NĐ 100 có hiệu lực chính là việc thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia của người tham gia giao thông. Việc quyết liệt xử lý các vi phạm về nồng độ cồn của lực lượng chức năng và ý thức “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” của đa số người dân đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực. Điều này còn thể hiện rõ ở tình hình vi phạm giao thông trên địa bàn tỉnh đã giảm hẳn sau 1 năm thực hiện NĐ. Tính đến nay đã lập biên bản vi phạm giảm 2.310 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính giảm 2.568 trường hợp, tước giấy phép lái xe tăng 298 trường hợp, tạm giữ phương tiện vi phạm tăng 232 xe. Riêng về chuyên đề xử lý nồng độ cồn, ma túy, phòng PC08 và Công an các huyện, thành phố đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức 505 ca tuần tra kiểm soát, phát hiện lập biên bản và tạm giữ 730 trường hợp vi phạm, trong đó, 13 trường hợp người điều khiển phương tiện dương tính với chất ma túy, 717 trường hợp người điều khiển phương tiện trong cơ thể có nồng độ cồn.

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh ra quân đảm bảo
trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Thiếu tá Nam cho biết thêm: “Song song với công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh và Công an 7 huyện, thành phố còn phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT, tại các điểm trường với gần 82 lượt với khoảng 56.260 lượt người nghe; cấp 1.000 tờ rơi tuyên truyền về TTATGT. Đồng thời, thông qua các hình thức chiếu phim, phát loa di động với hơn 28.600 lượt người xem; xây dựng 20 phóng sự, 15 tin bài phản ánh về lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, các đợt cao điểm, tổng kiểm soát; tuyên truyền thông qua tuần tra, kiểm soát; đặc biệt là tập trung tuyên truyền về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị định 100 của Chính phủ, thực hiện chủ đề năm ATGT 2020 “Đã uống rượu bia – không lái xe”; nguyên nhân, hậu quả của TNGT trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook…Qua đó đã nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.”

Cùng với chế tài xử phạt đủ sức răn đe, chính quyết tâm, nỗ lực và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT, trong đó có Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và NĐ 100 đã tạo nên tác động, hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần điều chỉnh nhận thức, hành vi của người dân trên địa bàn tỉnh khi tham gia giao thông. Từ đó, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông và góp phần mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho mọi người.