Hướng tới Đại hội XIII của Đảng: Cương lĩnh 2011 - ngọn cờ lý luận dẫn dắt dân tộc vững vàng trên con đường đổi mới

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng không chỉ tiếp tục khẳng định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà còn bao hàm những nội dung mới, phù hợp với những xu thế lớn của thời đại; đề ra mục tiêu, phương hướng và định hướng lớn phát triển đất nước. Sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh, đất nước đã đạt được thành tựu to lớn; qua đó càng khẳng định tính đúng đắn, toàn diện của Cương lĩnh.

Cương lĩnh 2011 - hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới

Cương lĩnh là văn bản kết tinh trí tuệ, phản ánh năng lực của một chính đảng. Giá trị của một cương lĩnh thể hiện trên 3 bình diện cơ bản, đó là: cương lĩnh tạo cơ sở thống nhất ý chí và hành động của toàn đảng; là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết các lực lượng xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu, lý tưởng của đảng; đồng thời, Cương lĩnh có giá trị định hướng, chỉ đạo chiến lược to lớn, toàn diện đối với sự nghiệp phát triển của một đất nước.

Dưới ngọn cờ tư tưởng và sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi mới thành lập đến nay luôn chú trọng xây dựng và lãnh đạo thực hiện các cương lĩnh chính trị phù hợp với điều kiện, yêu cầu của từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng. Trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành 5 bản cương lĩnh: Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt (tháng 2-1930); Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10-1930); Chính cương Đảng Lao động Việt Nam (tháng 2-1951); Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (tháng 6-1991); Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Mỗi cương lĩnh của Đảng được ban hành, thực hiện trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể và đều trở thành nền tảng tư tưởng, lý luận, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng, của cách mạng Việt Nam; trở thành ngọn cờ dẫn đường, chỉ lối cho toàn Đảng, toàn dân đấu tranh, lao động, sáng tạo, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành những thắng lợi vĩ đại.

Trong đó, Cương lĩnh 2011 của Đảng được xây dựng trên cơ sở tổng kết quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, trực tiếp là tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 25 năm công cuộc đổi mới, không chỉ tiếp tục khẳng định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà còn bổ sung những nội dung mới, phù hợp với xu thế lớn của thời đại; đề ra mục tiêu, phương hướng và định hướng lớn phát triển đất nước.

Theo đó, Cương lĩnh nêu rõ: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Cương lĩnh 2011 đã hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới; những vấn đề căn cốt nhất, những nguyên tắc và định hướng căn bản nhất trong đường lối xây dựng, bảo vệ đất nước trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội với tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI.

Dẫn dắt toàn dân tộc vững vàng trên con đường đổi mới

Nhằm cụ thể hóa, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, từ năm 2011 đến nay, Đại hội XI, XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận trên cơ sở quán triệt, vận dụng sáng tạo Cương lĩnh 2011. Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển đất nước theo Cương lĩnh 2011, đất nước ta đã gặt hái được những thành tựu to lớn, quan trọng, chứng minh tính đúng đắn, toàn diện của Cương lĩnh.

Theo đó, các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ngày càng được hiện thực hóa. Trước hết là việc thực hiện mục tiêu tổng quát “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Sau 10 năm, đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân có bước tiến rõ rệt. Đời sống văn hóa, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã văn hóa, đoàn kết ở các khu dân cư có tiến bộ. Đất nước ngày càng giàu mạnh hơn. Đặc biệt, quyền dân chủ được Hiến pháp khẳng định và thực hiện tốt hơn. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp ngày càng nhiều, nhất là trong thực hiện quyền ứng cử, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Quyền làm chủ của nhân dân cũng được phát huy tốt trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.

Cùng với đó, việc xây dựng nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp đạt kết quả quan trọng. Mô hình tăng trưởng chú trọng phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế. Trong giai đoạn 2011-2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,3%, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong ASEAN. Năm 2020, dù phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn thuộc nhóm rất ít các nước có GDP tăng trưởng dương.

Việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người có tiến bộ. Sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người đã được Đảng, Nhà nước quan tâm trong các chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Nhiệm vụ xây dựng con người đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế có bước chuyển biến quan trọng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và của từng vùng, miền được kế thừa; nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, tôn trọng, được UNESSCO vinh danh, như: Khu di tích Cố đô Huế, Tràng An, Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Mỹ Sơn... Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc.

Sự tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, tiến bộ xã hội đã tạo điều kiện để con người Việt Nam phát triển theo hướng toàn diện. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam (HDI) tăng đáng kể, từ năm 1990 đến 2019, HDI của Việt Nam tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới, năm 2019 xếp thứ 117 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với đó, quyền con người, quyền công dân được tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ. Nhiều giá trị truyền thống về đạo đức, nhân cách được kế thừa, phát huy; một số tố chất mới của con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế từng bước định hình.

Đáng chú ý, việc thực hiện các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết và giúp nhau cùng phát triển đạt kết quả quan trọng. Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Duyên hải miền Trung. Mặt khác cũng đẩy mạnh đấu tranh chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Một thành tựu đáng tự hào khác phải kể đến là quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện. Quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong ASEAN được củng cố. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế. Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Riêng với công tác xây dựng Đảng, thời gian qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Những kết quả trên khẳng định sự đúng đắn, phù hợp thực tiễn của các phương hướng cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong Cương lĩnh 2011; cho thấy Cương lĩnh chính là ngọn cờ tư tưởng lý luận, là kim chỉ nam của Đảng, dẫn dắt toàn dân tộc vững vàng trên con đường đổi mới.

Theo TTXVN