Ấn tượng Việt Nam 2020 trong mắt bạn bè quốc tế

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới, dư luận quốc tế đã rất ấn tượng về một Việt Nam vừa là "ngọn hải đăng" trong chống dịch và "điểm sáng" trong tăng trưởng kinh tế; vừa đóng góp chủ động, tích cực hợp tác, chia sẻ cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch cũng như hoàn thành tốt các nhiệm vụ quốc tế, góp phần củng cố hòa bình, ổn định cho khu vực và thế giới.

“Phép màu châu Á”

Một trong những ấn tượng nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2020 phải kể đến đầu tiên đó là thành tích phòng và chống dịch COVID-19. Việt Nam đã điều trị thành công cho hầu hết các bệnh nhân, trong đó có nhiều ca bệnh khó; tỷ lệ tử vong rất ít, chỉ có 35 ca (đa số là người già với nhiều bệnh nền nghiêm trọng) so với dân số gần 100 triệu người. Một loạt biện pháp nhanh chóng được đưa ra từ trước, trong và sau khi dịch xuất hiện trong nước, từ phương án điều trị, cách ly hàng loạt, truy vết lây nhiễm trên quy mô lớn và kiểm soát nghiêm ngặt việc di chuyển...

Báo Deutsche Welle (Đức) đã phân tích nguyên nhân thành công của Việt Nam trong cuộc chiến cam go chống đại dịch, đó là áp dụng cách ly, kiểm dịch nghiêm ngặt. Không giống các nước, Việt Nam không chỉ theo dõi các trường hợp F1, mà chú ý cả các đối tượng thuộc diện F2, F3 và F4 của các ca nhiễm; tờ The Diplomat (Mỹ) nhận xét, Việt Nam luôn duy trì minh bạch thông tin về tình hình dịch bệnh; còn tờ The Conversation (Australia) lại chú ý đến các hoạt động từ thiện tại Việt Nam như sáng kiến cây “ATM gạo” và nhiều hoạt động tương thân tương ái khác…

Đi đôi với chống dịch, Việt Nam cũng triển khai mạnh mẽ các giải pháp khôi phục, phát triển và đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng GDP tuy giảm xuống còn 2,9% so với 7% vào năm 2019 nhưng vẫn là nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương trong năm 2020.

Từ giữa tháng 9/2020, Việt Nam đã bắt đầu được truyền thông quốc tế ca ngợi là “mảnh đất tiềm năng” (Forbes), “bình minh đang lên” (báo Nga), ngôi sao sáng” (Asia Times), “phép màu châu Á” (New York Times), “con hổ châu Á” (Nikkei Asia)... Một số lượng lớn các bài viết trên báo chí nước ngoài trong năm qua cũng tập trung vào việc Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong một năm đầy khó khăn này và đang có mọi tiền đề để đạt nhịp độ tăng trưởng mạnh trong năm 2021.

Trong bài viết “Việt Nam tỏa sáng như là người chiến thắng trong cuộc khủng hoảng COVID-19”, tờ Asia Times có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, chính phủ không đặt vấn đề lợi ích kinh tế lên trên sức khỏe người dân nhưng Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Chính điều này khiến người ta phải ngạc nhiên. Ở một bài báo khác, Asia Times cho rằng, việc hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia các hiệp định thương mại quy mô lớn như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), tích cực gia tăng xuất khẩu nói chung và sang Mỹ nói riêng là các yếu tố cốt lõi làm nên thành công của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, nhật báo Business Times của Singapore và hãng tin Reuters của Anh nhận định, những biện pháp cách ly và truy vết nghiêm ngặt đã giúp Việt Nam nhanh chóng khống chế các đợt bùng phát dịch COVID-19, đưa hoạt động kinh tế phục hồi trở lại nhanh hơn so với nhiều nước châu Á khác.

Trong báo cáo ngày 22-12-2020, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả vững chắc, trái ngược hoàn toàn với những diễn biến kinh tế ảm đạm đang ảnh hưởng đến thế giới.

Mới đây nhất, tờ Financial Express ngày 14/1/2021 dẫn báo cáo của Economist Intelligence Unit (EIU) - cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist có trụ sở tại London, Vương quốc Anh đã khẳng định, những chính sách ưu đãi của Việt Nam đối với các doanh nghiệp quốc tế trong việc thành lập các đơn vị sản xuất sản phẩm công nghệ cao, lực lượng lao động chi phí thấp và sự gia tăng của các Hiệp định Thương mại tự do (mới nhất là với Liên minh châu Âu) giúp Việt Nam có vị thế “đáng ghen tị” trong số các nước châu Á. Theo cuộc khảo sát vừa được công bố của Hiệp hội quốc tế Gallup International, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về chỉ số kỳ vọng kinh tế (ở mức 45%), chỉ sau Nigeria (58%) và Azerbaijan (47%).

Giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh

Bên cạnh thành công kép, vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế, Việt Nam còn được truyền thông quốc tế đánh giá cao ở nhiều lĩnh vực cụ thể khác.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, những thành quả chống dịch ấn tượng năm 2020, cùng những nỗ lực và giải pháp kiên trì trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh nhiều năm qua đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu cho hoạt động sản xuất và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, kiểm soát tốt khủng hoảng COVID-19 chính là công cụ quảng bá tốt nhất cho Việt Nam, là cách để khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài chuyển hoạt động sản xuất từ các nước khác (nơi các nhà máy của họ vẫn bị đóng cửa) sang Việt Nam, qua đó góp phần đem lại kết quả xuất khẩu vững chắc. Còn theo Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam, thành công trong việc phòng chống dịch bệnh đã giúp Việt Nam sớm bắt đầu công cuộc phục hồi kinh tế và trong bối cảnh các công ty liên tục điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, sự ứng phó hiệu quả của Chính phủ Việt Nam đối với đại dịch sẽ càng nâng tầm vị thế của Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Thương mại điện tử cũng là lĩnh vực có sự phát triển mạnh của Việt Nam trong những năm gần đây. Mới đây, Forbes một lần nữa nhắc đến Việt Nam là một "mảnh đất đầy tiềm năng" cho các doanh nghiệp muốn khai thác thị trường thương mại điện tử. Cụ thể, tỷ lệ truy cập internet của Việt Nam đạt 65%, là tiền đề cho sự phát triển thương mại điện tử. Theo số liệu nghiên cứu của Redseer, đến năm 2026, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của ngành thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD.

Về vấn đề giáo dục, theo báo cáo năm 2020 của WB, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38/174 nền kinh tế. Trong đó, giáo dục đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển. Nhiều chỉ số về Giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như: Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% (đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Singapore); Tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành Chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN. Kết quả thi Olympic của Việt Nam có bước tiến vượt bậc với 49 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2016-2020 so với 27 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015. Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới, năm 2019 xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu châu Á. Việt Nam đang là điểm đến được lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế trong những năm gần đây…

Tỷ lệ hộ nghèo tại Việt Nam đã giảm mạnh, từ 50% dân số năm 1990 xuống còn 2% hiện nay và người dân đang được hưởng lợi từ chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, với lĩnh vực công nghiệp chiếm 39% hoạt động và dịch vụ chiếm 47%.

Mới đây, Hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập hàng đầu của Anh Brand Finance đã công bố báo cáo về thương hiệu quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020). Theo đó, Việt Nam là thương hiệu quốc gia tăng giá trị nhanh nhất thế giới trong năm nay, khi tăng tới 29% so với năm trước, lên 319 tỷ USD. Thứ hạng của Việt Nam cũng cải thiện từ vị trí 42 lên 33 trong danh sách 100 thương hiệu quốc gia của Brand Finance.

Nâng cao vị thế quốc gia

Ngoài thành tựu trong cuộc chiến chống COVID-19 và kinh tế, những thành công của ngoại giao Việt Nam trên trường quốc tế cũng được truyền thông thế giới quan tâm và đánh giá cao. Đặc biệt, đã có nhiều bài viết về hoạt động của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, về quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ...

Tờ The Times of India ghi nhận, trong năm 2020, uy tín của Việt Nam được nâng cao cả trong khu vực và trên trường quốc tế, phản ánh qua các chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Trong năm 2020, Việt Nam đã thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ mang tính xây dựng trong vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời có những bước đi quyết định chống đại dịch COVID-19. Tờ báo nhấn mạnh, để duy trì sự cân bằng chiến lược dựa trên nguyên tắc trật tự thế giới đa cực và pháp quyền, điều kiện tiên quyết là Việt Nam giữ vững vị thế trung tâm và đạt được những thành công ấn tượng về kinh tế.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Ðại học New South Wales (Australia) đánh giá rằng, 2020 là năm Việt Nam nâng tầm vị thế, nâng cao uy tín, tạo được niềm tin trong khu vực và toàn cầu. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã chủ động thể hiện vai trò lãnh đạo đặc biệt trong bốn lĩnh vực: thống nhất các quốc gia thành viên ASEAN trong ứng phó đại dịch và phục hồi; tạo đồng thuận về lập trường và vai trò trung tâm của ASEAN; thúc đẩy hoàn tất đàm phán Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); củng cố tuyên bố mang tính chính sách của ASEAN về Biển Ðông.

Theo hãng tin Sputnik (Nga), trên trường quốc tế, năm 2020 là một năm thật sự đặc biệt đối với Việt Nam khi lần đầu Việt Nam vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trên cả hai cương vị này, lập trường của Việt Nam luôn nhất quán, kiên định về nguyên tắc, nhưng hết sức mềm dẻo, linh hoạt về biện pháp và ứng xử.

Sputnik nhận định, Việt Nam là hình mẫu “anh hùng” đích thực của năm 2020, năm đã gây cú sốc chấn động với nền kinh tế toàn cầu và đời sống cộng đồng. Những thử thách mà Việt Nam đối mặt và vượt qua đã cho thấy sức mạnh kiên cường của nhân dân và sự sáng suốt của ban lãnh đạo đất nước, nhận được sự kính trọng, ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế và nâng cao uy tín của Việt Nam. Sputnik hy vọng trong năm tới, Việt Nam sẽ đạt nhiều thành tựu mới, ngày càng thịnh vượng và thực hiện trọn vẹn những kế hoạch đầy kỳ vọng vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần củng cố hòa bình, ổn định cho khu vực và thế giới.

Theo TTXVN