Đại hội lần thứ II của Đảng Lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi

Sau 16 năm kể từ Đại hội lần thứ I của Đảng (tháng 3-1935), tình hình trong nước chuyển biến căn bản. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên làm chủ đất nước.

Thế nhưng, thực dân Pháp lại xâm chiếm nước ta một lần nữa, cả dân tộc phải cầm súng trường kỳ kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Trên thế giới, Liên Xô lớn mạnh về mọi mặt; các nước xã hội chủ nghĩa cũng bước vào công cuộc xây dựng đất nước; nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949, làm thay đổi tương quan lực lượng trên trường quốc tế, có lợi cho hòa bình và cách mạng. Đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp vào Đông Dương, vừa giúp Pháp nhưng cũng vừa tìm cơ hội để hất cẳng Pháp.

Trước bối cảnh đó, để bổ sung, hoàn chỉnh đường lối cách mạng, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, Trung ương Đảng đã triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, họp từ ngày 11 đến 19-2-1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Về dự Đại hội, có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 76 vạn đảng viên sinh hoạt trong Đảng. Lần đầu tiên được tổ chức trong nước, Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị do đồng chí Hồ Chí Minh trình bày; Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày; thông qua Chính cương, Điều lệ và Tuyên ngôn của Đảng.

Tổng kết phong trào cách mạng Việt Nam và thế giới nửa đầu thế kỷ 20, Báo cáo chính trị đã rút ra những bài học kinh nghiệm trong 21 năm hoạt động của Đảng; đồng thời đưa ra dự báo tình hình nửa thế kỷ sau và vạch rõ nhiệm vụ chủ yếu của ta là tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành độc lập hoàn toàn, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới. Để thực hiện nhiệm vụ này, Báo cáo chính trị nêu rõ Đảng phải đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang về mọi mặt, củng cố và phát triển các đoàn thể quần chúng; phát huy tinh thần yêu nước và thi đua ái quốc; tăng cường đoàn kết quốc tế,… Muốn làm tròn nhiệm vụ nêu trên, cần có một Đảng hoạt động công khai, tổ chức phù hợp tình hình thế giới và trong nước để lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi.

Báo cáo bàn về cách mạng Việt Nam vạch ra đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và nêu rõ 12 chính sách của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Báo cáo đã bổ sung, hoàn chỉnh và phát triển lý luận của Đảng ta về cách mạng dân tộc dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến hành trong điều kiện một nước thuộc địa, nửa phong kiến, trong thời đại mới quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội ở một dân tộc có truyền thống kiên cường, bất khuất hàng nghìn năm chống xâm lược.

Theo sáng kiến của những người cộng sản Việt Nam và được những người cộng sản ở Lào, Cam-pu-chia nhất trí, Đại hội quyết định, do yêu cầu kháng chiến, giai cấp công nhân và nhân dân mỗi nước cần có một đảng riêng. Ở Việt Nam, Đảng ra hoạt động công khai và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội thảo luận và nhất trí thông qua Điều lệ mới của Đảng Lao động Việt Nam.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 ủy viên chính thức, 10 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm bảy ủy viên chính thức, một ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng. Đồng chí

Trường Chinh được bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư.

Đại hội lần thứ II đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành của Đảng ta; đã vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn để lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi.

Theo Báo Nhân Dân