Việt Nam và HĐBA LHQ: Phiên họp đặc biệt về ứng phó đại dịch COVID-19

Từ ngày 3-4/12/2020, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 75 đã tổ chức Phiên họp đặc biệt về ứng phó đại dịch COVID-19 tại New York, Hoa Kỳ.

Phiên họp với sự tham dự và phát biểu của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Volkan Bozkir, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Chủ tịch Phong trào Không liên kết - Tổng thống Azerbaijan Ilham Heydar Oglu Aliyev, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc Munir Akram, Chủ tịch tháng 12 của Hội đồng Bảo an - Đại sứ Nam Phi Jerry Matthews Matjila và 83 Người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, hơn 50 vị cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng các nước và Lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Phiên thảo luận chung. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp quan trọng gửi tới Phiên họp đặc biệt này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Thông điệp quan trọng gửi tới Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ khóa 75 về COVID-19. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các quốc gia đều chia sẻ quan ngại trước việc đại dịch đã làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng trên thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến những người nghèo và dễ bị tổn thương. Các quốc gia kêu gọi cộng đồng quốc tế cần tiếp tục tăng cường quyết tâm, nỗ lực hợp tác quốc tế trong ứng phó, phục hồi sau đại dịch.

Phát biểu tại Phiên Khai mạc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 75 cho rằng, đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế, phát triển, nhân đạo và con người toàn cầu; tác động tới tất cả người dân trên thế giới theo cách không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong lịch sử 75 năm của Liên hợp quốc. Trong ứng phó, cần bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, không để ai bị bỏ lại phía sau và cần bảo đảm các chính sách ứng phó, không làm suy yếu các hệ thống y tế thiết yếu khác cũng như nền kinh tế và xã hội.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng, để ứng phó COVID-19 trong thời gian tới, cần ưu tiên tăng cường hệ thống y tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết cung cấp 100 tỷ USD hàng năm hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc đạt được các mục tiêu về khí hậu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề xuất năm 2021 phải là năm giải quyết các tình trạng khẩn cấp toàn cầu bao gồm đa dạng sinh học, nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ môi trường biển và đại dương, giảm thiểu ô nhiễm hóa chất, chất thải rắn, đặc biệt là nhựa.

Tại Phiên thảo luận chung cùng lãnh đạo các nhà nước, chính phủ, trong thông điệp quan trọng gửi tới Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến tổ chức Phiên họp đặc biệt này và cho rằng, để cùng nhau chiến thắng đại dịch COVID-19, các quốc gia cần đề cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, tăng cường phối hợp chính sách, đoàn kết hành động, đẩy mạnh hợp tác quốc tế cũng như nỗ lực của các thể chế đa phương trong quản trị toàn cầu. Nhân đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam, trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, với Lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về ngừng bắn toàn cầu, bãi bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương và tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia trong ứng phó COVID-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các quốc gia cần lấy lợi ích của người dân làm trung tâm của mọi chính sách và hành động với ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, bảo đảm người dân ở mọi quốc gia và lãnh thổ đều được tiếp cận vaccine và thuốc điều trị COVID-19 với chi phí hợp lý… Đồng thời, các quốc gia cần chủ động thích ứng trong giai đoạn “bình thường mới” để phát triển bền vững, vừa bảo đảm phòng chống dịch tốt, vừa triển khai đồng bộ và hài hòa phục hồi kinh tế, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư xuyên biên giới, đi lại có kiểm soát của người dân, duy trì chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, thiết bị y tế… Các quốc gia cần duy trì cam kết, nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và các cam kết về biến đổi khí hậu, đặc biệt là tạo điều kiện cho các nước đang phát triển.

Cho biết Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các tổ chức Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế đối với Việt Nam. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ các sáng kiến và hợp tác của các nước ASEAN trong ứng phó COVID-19 như: Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN…

Trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Việt Nam đã đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến, tích cực phối hợp với các quốc gia thành viên khác thảo luận, thông qua nhiều Nghị quyết, văn kiện nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó COVID-19. Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam đã hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho nhiều nước chịu ảnh hưởng cũng như hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tài chính cho các quỹ quốc tế về phòng, chống dịch dù nguồn lực quốc gia còn hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng rằng, với ý chí, sức mạnh của mỗi dân tộc, tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế mạnh mẽ, thế giới sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19 và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi quốc gia và mọi người dân.

Theo TTXVN/Báo Tin tức