Ninh Phước “về đích” huyện nông thôn mới

Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay, góp sức của người dân địa phương, đến nay huyện Ninh Phước có 8/8 xã đạt chuẩn NTM và huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí NTM. Kết quả này là thành tích tiêu biểu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện nhà chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 Huyện Ninh Phước triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong điều kiện một huyện nông nghiệp có xuất phát điểm thấp về kinh tế. Nguồn lực đầu tư cho phát triển cũng như kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội (KT-XH), chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu. Sản xuất nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; vai trò, vị trí, tiềm lực từ nông dân cũng chưa được phát huy; hệ thống chính trị cơ sở còn thiếu và yếu; tỷ lệ hộ nghèo ở mức 2 con số (10,44%)… Song với nỗ lực và quyết tâm chính trị cao, cùng sự đồng thuận, chung sức, chung lòng của Nhân dân, đến nay, Ninh Phước đã vươn lên trở thành huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM.

Nông dân Phước Hữu chăm sóc cây táo. Ảnh: V.M

Đồng chí Phạm Văn Binh, Bí thư Huyện ủy Ninh Phước, cho biết: Xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính lâu dài, có tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH, chính trị và quốc phòng-an ninh nên những năm qua, địa phương đã tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2019. Để tạo bước đột phá cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân thông qua triển khai xây dựng NTM, huyện chú trọng khâu lập quy hoạch NTM, quy hoạch đô thị thị trấn Phước Dân, quy hoạch chi tiết các điểm dân cư, quy hoạch phát triển sản xuất. Trên cơ sở quy hoạch vùng, huyện đã phối hợp với các ngành của tỉnh triển khai quản lý các quy hoạch theo lĩnh vực ngành; các quy hoạch đều phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội của huyện, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Quá trình thực hiện, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong huyện luôn chú trọng thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”; trong đó, xác định rõ những tiêu chí phải xã hội hóa và các tiêu chí được Nhà nước đầu tư, vận động nhân dân triển khai thực hiện đúng theo lộ trình đã đăng ký.

Bằng những cách làm sáng tạo, sự đổi mới trong tư duy chỉ đạo, sự đồng thuận xã hội và sự tham gia tích cực của Nhân dân, cộng với sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nên sau gần 10 năm, xây dựng NTM trên địa bàn huyện Ninh Phước đã đạt được kết quả hết sức tích cực theo chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra. Nổi bật là đã huy động và lồng ghép các nguồn lực trên 2.330 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước, giáo dục, y tế. Tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp theo hướng tiếp cận, đẩy mạnh áp dụng khoa học-công nghệ, nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới được triển khai hiệu quả như: 1 phải 5 giảm, cánh đồng lớn, tưới tiết kiệm, nông nghiệp hữu cơ... nâng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích lên 193,5 triệu đồng/ha, tăng 2,59 lần so năm 2011. Thu ngân sách tăng cao qua từng năm, kêu gọi nhiều dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) đầu tư và đi vào hoạt động, đến nay có 11 dự án/390MW hoàn thành góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Chất lượng giáo dục, y tế phát triển khá toàn diện, nhiều cơ sở trường lớp, trạm y tế được đầu tư đồng bộ và đạt chuẩn quốc gia. Các hoạt động văn hóa - thể thao - tuyên truyền, nhất là lễ hội của đồng bào dân tộc được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng đời sống tinh thần người dân và phục vụ phát triển KT-XH. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 45,9 triệu đồng tăng hơn 4 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 3,69%, giảm gần 7% so với năm 2011. Vệ sinh môi trường nông thôn được cải thiện rõ nét. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, dân chủ được phát huy; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự- an toàn xã hội được đảm bảo; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM ngày càng được khẳng định; tổng huy động đóng góp trong Nhân dân trên 120 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng NTM, nổi bật là phong trào hiến đất làm đường, chợ, kênh mương, đóng góp công lao động, góp tiền lắp đặt hệ thống camera an ninh, điện thắp sáng đường quê...

Nông dân Ninh Phước thu hoạch lúa. Ảnh: Văn Miên

Nhìn lại chặng đường xây dựng NTM 10 năm qua có thể khẳng định, những kết quả huyện Ninh Phước đạt được chính là quá trình phấn đấu và nỗ lực không ngừng của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân. Hòa chung niềm vui, tự hào về huyện đã đạt chuẩn NTM, huyện Ninh Phước tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, “bắt tay” vào thực hiện những nhiệm vụ mới với mục tiêu phát triển KT-XH nhanh và bền vững hơn. Đồng chí Phạm Văn Binh cho biết thêm: Những năm đến, xây dựng NTM được xác định là một chủ trương lớn có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, là đòi hỏi khách quan và cần thiết, phù hợp với định hướng đề ra của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 của huyện là tranh thủ và lồng ghép các nguồn lực đầu tư để tập trung ưu tiên đầu tư hoàn thiện, nâng cao kết cấu hạ tầng KT-XH, phấn đấu xây dựng 8/8 xã đạt xã NTM nâng cao, trong đó 1 đến 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Để thực hiện đạt các mục tiêu nêu trên, Đảng bộ huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM và các loại quy hoạch khác để phù hợp với điều kiện thực tế. Tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, kêu gọi xã hội hóa trên một số lĩnh vực phục vụ lợi ích địa phương như chợ, trường học tư nhân... Đẩy mạnh thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, ứng dụng khoa học- công nghệ, nhất là nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tăng cường quốc phòng - an ninh kết hợp phát triển kinh tế, đảm bảo môi trường ổn định cho đầu tư phát triển. Củng cố bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng các điển hình, mô hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, tạo khí thế thi đua sổi nổi trong toàn dân góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển giàu đẹp.