Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp khẩn, ứng phó với bão số 9

Ngày 26-10, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp khẩn với các ngành và địa phương để triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão số 9. Cùng dự có đồng chí Phạm Văn Hậu, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo báo cáo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, bão MOLAVE hoạt động trên khu vực miền Trung của Philippines, đến ngày 26-10, bão đi vào Biển Đông, di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta, trở thành cơn bão số 9. Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão khi ở trên biển có thể đạt tới cấp 12, 13, giật cấp 15, sóng biển cao từ 8- 10m. Từ đêm 27-10, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Trung và Nam Trung Bộ, trong đó có tỉnh ta, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng. Để kịp thời ứng phó với bão số 9, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương và đơn vị liên quan tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 để theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thiên tai, hướng di chuyển của bão, không để xảy ra bị động. Theo đó, đình hoãn các cuộc họp không quan trọng, tập trung công tác chỉ đạo phòng, chống bão, lũ cho đến khi bão tan; lãnh đạo các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó theo địa bàn đã được phân công.

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Các địa phương ven biển, cửa sông sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão; chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân và khách du lịch ven biển, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản. Hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bao an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn… để thực hiện các biện pháp cảnh báo (cắm biển báo, khoanh dây xác định khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn...) để nhân dân biết, chủ động phòng tránh; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất; chủ động phương án thực hiện sơ tán, di dời Nhân dân đến nơi an toàn đối với những khu vực ngập sâu, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.

Tùy theo tình hình thực tế của cơn bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thời gian cấm biển và thời gian hoạt động trở lại, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị liên quan tham mưu việc cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên được nghỉ hay đi học…

* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ứng phó khẩn cấp với bão số 9.