Nông nghiệp bứt phá từ quyết sách đúng

Giai đoạn 2015-2020 ngành Nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Sản xuất nông nghiệp chuyển từ nhỏ lẻ, sang quy mô lớn có sự liên kết với doanh nghiệp trong chuyển giao khoa học - công nghệ và bao tiêu sản phẩm. Từ tập trung nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh các sản phẩm đặc thù như nho, táo, tỏi, măng tây xanh, dê, cừu, tôm giống, ngành Nông nghiệp tạo bứt phá về tăng trưởng, với giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 8,3%/năm; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 125,5 triệu đồng/năm, tăng 4,5 lần so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 29 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,38 lần so với năm 2015.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao Phúc Farm, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: Hữu Phương

Đạt được kết quả nêu trên, là nhờ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng và hiệu quả. Trong bối cảnh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi nắng hạn, để sản xuất nông nghiệp bền vững, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong nông nghiệp để giải quyết những khó khăn, thách thức. Các nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn đi vào cuộc sống như “luồng gió mới” vực dậy phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, có sức lan tỏa sâu rộng. Các ngành, địa phương đã bám sát các giải pháp đột phá, tích cực triển khai lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng sản xuất, tổ chức lại sản xuất theo hình thức kinh tế hợp tác, từng bước gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học -

kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực.

Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, đặc biệt là sự kiểm tra, chỉ đạo xuyên suốt trực tiếp của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối ngay từ đầu nhiệm kỳ, các chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp của Tỉnh ủy đã được cụ thể hóa, triển khai kịp thời, sát với thực tế, nên các ngành, các cấp đã thực hiện thắng lợi 3 khâu đột phá về đầu tư hạ tầng thủy lợi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học -

công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù của tỉnh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất trên vùng biển xa bờ theo hình thức tổ đoàn kết.

Trong 5 năm qua, có 63 công trình thủy lợi được xây dựng, với tổng mức đầu tư hơn 2.330 tỷ đồng, đã hoàn thành đưa vào sử dụng Đập hạ lưu Sông Dinh, Đập dâng Tân Mỹ, các tuyến kênh thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất thu được kết quả bước đầu, đã phát triển 12 dự án nông nghiệp công nghệ cao. Mô hình cánh đồng lớn, tưới tiết kiệm nước, liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được nhân rộng, phát triển được 32 liên kết sản xuất cánh đồng lớn quy mô 4.000 ha. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng 7.500 ha, vượt 4,1% kế hoạch. Các mô hình bao lưới trên cây táo 139 ha, mô hình bao trái trên cây nho, mô hình san phẳng đồng ruộng bằng thiết bị laser, mô hình tưới nước tiết kiệm trong sản xuất rau an toàn 348 ha thực hiện có hiệu quả. Chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn, có giá trị kinh tế cao, hình thành nhiều mô hình chăn nuôi tập trung. Quy mô đàn gia súc, gia cầm ổn định, bình quân tăng 6,1%/năm, chất lượng được cải thiện đáng kể, tổng đàn gia súc đạt 478 ngàn con, vượt 0,15% kế hoạch.

Nông dân Thuận Bắc thu hoạch lúa vụ hè - thu. Ảnh: VM

Cùng với đó, sản xuất thủy sản cũng phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất tăng bình quân 10%/năm. Nghề khai thác hải sản chuyển dịch theo hướng phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Toàn tỉnh có 2.471 chiếc tàu với tổng công suất 469.230 CV; trong đó, 603 tàu khai thác vùng “biển xa”, tăng hơn 200 tàu so với kế hoạch; hình thành 170 Tổ đoàn kết sản xuất, với 1.018 tàu cá. Sản lượng khai thác hải sản đạt trên 113,5 ngàn tấn, vượt 62,1% kế hoạch. Dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển khá, chất lượng nâng lên. Kết cấu hạ tầng phục vụ khai thác, nuôi trồng thủy sản được đầu tư đồng bộ, đã nâng cấp, mở rộng Cảng cá Cà Ná, Bến cá Mỹ Tân, các khu neo đậu tránh, trú bão cửa Sông Cái, Ninh Chữ, hạ tầng kỹ thuật khu nuôi tôm tập trung Sơn Hải-Hồ Núi Một và dự án Trại thực nghiệm giống thủy sản. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước đạt mục tiêu đề ra, cung ứng khoảng 30% nhu cầu của cả nước. Toàn tỉnh có trên 450 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động, sản xuất tôm giống, sản lượng đạt 36 tỷ con/năm, tăng bình quân 13%/năm và gấp 1,84 lần so với năm 2015.

Phát huy những thành tựu đạt được, giai đoạn 2020-2025, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành gắn với chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Mở rộng liên kết, hợp tác và hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; chú trọng lựa chọn một số sản phẩm đặc thù, có tiềm năng để tập trung nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng thành các vùng nông nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ cao gắn với chế biến; phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng thương hiệu, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu. Tiếp tục nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn và mô hình sản xuất có hiệu quả; chuyển đổi 2.000 ha đất kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn; ưu tiên phát triển vùng cây ăn quả đặc thù. Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, giá trị cao, tăng tỷ trọng các vật nuôi có lợi thế; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, liên kết với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị khép kín, tạo thương hiệu của địa phương. Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống có chất lượng cao của cả nước; ưu tiên phát triển nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các đối tượng có lợi thế.