Phát huy vai trò Hội Phụ nữ trong tham gia giải quyết các vấn đề xã hội

Sau gần 2 năm triển khai Đề án 938 của Thủ tướng Chính phủ về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” giai đoạn 2017 – 2027 (Đề án 938), Hội Phụ nữ (PN) tỉnh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức và hành vi cho cán bộ, hội viên về các vấn đề liên quan đến gia đình, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc PN và trẻ em.

Bà Vũ Thị Thùy Trang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, Phó Trưởng ban phụ trách thực hiện Đề án 938 cho biết: Đề án 938 được thực hiện dựa trên quan điểm lấy PN làm trung tâm, vừa là chủ thể hành động, vừa là đối tượng thụ hưởng, đảm bảo giải quyết được một số vấn đề xã hội liên quan đến PN. Để Đề án đi vào chiều sâu, các cấp hội PN đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng như: Họp mặt truyền thống; tọa đàm, hái hoa dân chủ, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi tìm hiểu,... qua đó tập trung đẩy mạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và can thiệp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình, phòng, chống xâm hại tình dục PN và trẻ em gái. Ngoài ra, Hội bám sát thực hiện Đề án theo chủ đề gắn với triển khai chương trình công tác từng năm, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… Theo đó, Hội LHPN tỉnh tổ chức 136 buổi tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật; giáo dục nâng cao năng lực làm cha mẹ và vai trò của PN trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống bạo lực gia đình; hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ để đảm bảo an toàn cho PN và trẻ em… thu hút trên 14.500 lượt người tham dự. Nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan, các cấp hội tổ chức tập huấn, cung cấp kiến thức và kỹ năng bảo vệ, làm việc với trẻ em; kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi phòng chống bạo lực gia đình và xâm hại tình dục trẻ em; tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm.. cho 355 cán bộ chuyên trách các sở, ban, ngành, địa phương tham gia Đề án và cán bộ Hội chuyên trách cấp xã.

Phụ nữ thôn Thành Sơn (Ninh Hải) tham gia mô hình trồng nho sạch theo hướng VietGAP.

Bên cạnh công tác truyền thông, các cấp Hội PN trong tỉnh còn thể hiện vai trò của mình trong công tác can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và xâm hại tình dục. Chị em đã mạnh dạn lên tiếng khi bị bạo lực, tự giác khai báo tình trạng trẻ em trong gia đình bị xâm hại; chủ động tìm kiếm các địa chỉ hỗ trợ tin cậy khi bị bạo lực gia đình và khi có trẻ em trong gia đình bị xâm hại... Qua đó, góp phần giảm thiểu số lượng nạn nhân bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục tại các địa phương, thúc đẩy cải thiện và xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh. Từ năm 2018 đến nay, các đơn vị đã tư vấn 20 chị bị bạo lực gia đình, kịp thời xử lý và ngăn chặn 5 trường hợp tảo hôn, 1 trường hợp bạo lực trẻ em, hòa giải thành công 32 vụ dân sự, hôn nhân gia đình 16 vụ… Riêng tại xã Phước Diêm (Thuận Nam) đã triển khai thí điểm Mô hình địa chỉ tin cậy-nhà tạm lánh tại cộng đồng, trong năm mô hình đã tư vấn tâm lý cho 20 trường hợp, tiếp nhận chăm sóc tại địa điểm cho 17 trường hợp, lập hồ sơ đối tượng 15 trường hợp. Không chỉ kịp thời phát hiện, can thiệp đối với trường hợp không may bị xâm hại, Hội còn kết nối, chia sẻ thông tin hỗ trợ kinh tế đối với những hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử như năm 2020, Hội LHPN Tp. Phan Rang-Tháp Chàm vận động 127 triệu đồng hỗ trợ cho bà Nguyễn Thị Bê và cháu M.T.K.Y, khu phố 5, phường Đông Hải xây mới căn nhà, ổn định cuộc sống.

Cùng với đó, thông qua những chủ đề cụ thể từng năm, các cấp hội đã duy trì nhân rộng nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình “Hai dao, hai thớt”; “Sản xuất nho đảm bảo an toàn thực phẩm” (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm); mô hình “Phụ nữ là chủ hộ kinh doanh cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” (Ninh Hải); “Bếp ăn tập thể vệ sinh an toàn thực phẩm” (Phụ nữ Biên phòng tỉnh); 27 câu lạc bộ “Xách giỏ đi chợ - Hãnh diện của người nội trợ”; mô hình “Địa chỉ tin cậy”… qua đó, giúp chị em xây dựng ý thức tự giác bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để Đề án 938 lan tỏa mạnh mẽ hơn, cần sự chung tay góp sức của các ban, ngành liên quan, kịp thời giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho PN, trẻ em, từng bước khẳng định vị thế PN trong xã hội.