Cải tạo giống các đàn gia súc chủ lực của địa phương

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ trương cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng đàn gia súc chủ lực theo hướng lai các giống mới, nhằm cải thiện tầm vóc của giống vật nuôi, tránh xảy ra tình trạng đồng huyết, dẫn đến việc chậm phát triển; đồng thời chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăn nuôi an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Cải tạo dê, cừu bằng phương pháp hoán đổi giống đực

Ninh Thuận hiện có tổng đàn gia súc hơn 481.056 con, trong đó, bò: 119.620 con, hơn 138.000 con dê và gần 136.000 con cừu,… Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, những năm gần đây, chăn nuôi dê, cừu đầu ra thuận lợi, giá cả ổn định là điều kiện tốt để mở rộng, phát triển chăn nuôi gia súc mang tính đặc thù của địa phương.

Nông dân tận dụng đồng cỏ tự nhiên để chăn nuôi đàn cừu. Ảnh: Văn Nỷ

Tuy nhiên, chăn nuôi dê, cừu của tỉnh hiện nay chủ yếu theo phương thức quảng canh, thiếu quan tâm đầu tư con giống; nguy cơ đồng huyết, suy thoái giống rất cao; bên cạnh đó rủi ro do bệnh thường xuyên xảy ra, khả năng phát triển đàn dê, cừu tại địa phương chưa tương xứng với tiềm năng. Để dần khắc phục tình trạng trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn Tây triển khai mô hình cải tạo đàn dê, cừu bằng biện pháp luân chuyển đực giống chất lượng tốt và áp dụng các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng để đạt năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Mô hình được triển khai tại xã Phước Hữu (Ninh Phước) và xã Xuân Hải (Ninh Hải).

Qua thời gian triển khai, kết quả cho thấy dê, cừu đực phối giống cho dê, cừu cái của mô hình đạt 100% con cấn chửa. Trọng lượng dê, cừu sinh ra trung bình đạt 2,4 kg/con; lúc 3 tháng tuổi bình quân đạt 18 kg/con cao hơn so với cừu ngoài mô hình 3 kg/con, hiệu quả kinh tế cao hơn các hộ ngoài mô hình là 20%. Đến nay, mô hình cải tạo dê, cừu bằng phương pháp hoán đổi giống đực đã được áp dụng rộng rãi cho các hộ chăn nuôi và các vùng khác trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, cùng với phương pháp hoán đổi con giống, người dân đã chủ động trong chăn nuôi dê, cừu sinh sản theo hướng an toàn dịch bệnh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm thiểu khí phát thải nhà kính. Đây còn được xem như một trong những giải pháp nhằm giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân và thúc đẩy phát triển nghề chăn nuôi dê, cừu của địa phương.

Cải thiện chất lượng đàn bò theo hướng thụ tinh nhân tạo

Cũng giống như dê, cừu, trước tình hình đàn bò trong tỉnh có thể trạng nhỏ, năng suất thịt thấp, nhiều giống bò có dấu hiệu thoái hóa. Để hỗ trợ người chăn nuôi cải tạo nâng cao chất lượng đàn bò, từ năm 2016 đến nay, bằng nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông quốc gia hàng năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp, lồng ghép thực hiện “Mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thụ tinh nhân tạo”. Mô hình được triển khai tại các xã Lương Sơn, Quảng Sơn, Hòa Sơn và Nhơn Sơn (Ninh Sơn); xã Phước Thuận (Ninh Phước) và xã Phước Ninh (Thuận Nam). Với tổng số liều tinh thực hiện các mô hình là 600 liều, tỷ lệ bò cái phối chửa lần đầu đạt kết quả 75%. Anh Thái Văn Thành, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Từ kết quả của các dự án, chương trình lồng ghép, đến nay đàn bò của tỉnh đã được lai tạo trên 48%. Một số huyện có đàn bò được lai tạo đạt rất cao trên 85%. Đây được xem là bước đột phá lớn trong nhận thức và đánh giá đúng đối với vai trò đóng góp của chăn nuôi trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Cũng như hình thành mô hình nuôi bò vỗ béo tập trung có quy mô lớn, nổi bật là huyện Ninh Sơn.

Thông qua áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn hiệu quả xã hội và môi trường. Bởi, áp dụng phương pháp này sẽ giảm chi phí mua, nuôi bò đực giống, không phải di chuyển đực giống, đẩy nhanh tốc độ cải tạo đàn bò, hạn chế tình trạng đồng huyết, cận huyết trong chăn nuôi, cải thiện được năng suất, chất lượng các thế hệ đời sau. Đồng thời, tạo ra đàn con lai có giá trị kinh tế cao hơn so với bò Vàng Việt Nam. Giá bê lai lúc 6 tháng tuổi, bán khoảng 10,5 triệu đồng/con, so với bê nội bán 9 triệu đồng/con, hiệu quả kinh tế tăng 16,67% so với ngoài mô hình.

Từ hiệu quả của mô hình trên, nhiều địa phương đã hình thành tổ hợp tác trong chăn nuôi theo hướng tập trung trồng cỏ gắn với vỗ béo, tận dụng hiệu quả lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra. Người dân các vùng chăn nuôi tập trung có điều kiện tiếp ứng thành tựu khoa học - kỹ thuật để nhân rộng trong thời gian tới về kỹ thuật trồng, chế biến thức ăn; chăm sóc, nuôi dưỡng bò lai hướng thịt đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò.

Được biết, để giúp cho người chăn nuôi được quyền chọn lựa giống bò, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện xã hội hóa, triển khai dịch vụ cung cấp tinh bò cho dẫn tinh viên trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, hội thảo về chăn nuôi dê, bò, cừu; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia luân chuyển con đực giống nhằm để tránh đồng huyết, dẫn đến thoái hóa giống; góp phần tăng hiệu quả trong chăn nuôi.