Nâng cao chất lượng y tế trường học

Xác định tầm quan trọng của y tế trường học (YTTH) trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh (HS), thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện công tác YTTH, góp phần nâng cao thể chất cho HS cũng như chất lượng giáo dục toàn diện.

Thực trạng trường học

Toàn tỉnh hiện có 306 đơn vị trường học từ mầm non đến THPT. Mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng hầu hết các trường học đầu tư một số trang thiết bị, danh mục thuốc cơ bản phục vụ công tác YTTH. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được các trường tổ chức linh hoạt bằng nhiều hình thức: phát trên hệ thống loa phát thanh của trường vào giờ giải lao; tổ chức các buổi ngoại khóa hoặc lồng ghép trong các giờ giảng phù hợp với môn học, cấp học... Ngoài ra, ngành Y tế các cấp còn chủ động phối hợp với các trường tổ chức các buổi tuyên truyền, nói chuyện về giáo dục sức khỏe; thường xuyên kiểm tra công tác YTTH; tổ chức nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe: tẩy giun, khám mắt, khám răng…, góp phần cải thiện sức khỏe cho HS.

Trường THCS Huỳnh Phước (Ninh Phước) tổ chức nới chuyện về chủ đề Chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên cho học sinh

Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác YTTH gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 194/306 trường bố trí nhân viên y tế; số trường còn lại công tác y tế được giao cho giáo viên, hoặc cán bộ văn thư kiêm nhiệm. Điển hình như trên địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm, ngoài các trường THCS được bố trí đầy đủ chức danh nhân viên y tế, ở bậc Tiểu học, chỉ có 13/28 trường, Mầm non có 6/11 trường có nhân viên y tế. Bà Trần Thị Hường, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và để đạt được chỉ tiêu tinh giảm biên chế 10%/năm, dựa trên tình hình thực tế, Phòng phải cân nhắc, điều chỉnh, bố trí biên chế từng trường cho phù hợp. Trong điều kiện khó khăn số lượng giáo viên như hiện nay buộc nhiều trường cắt chức danh nhân viên y tế.

Điều đáng nói là nhiều trường có nhân viên y tế nhưng không đạt chuẩn. Điều kiện về cơ sở vật chất chưa bảo đảm theo quy định. Theo thống kê, chỉ có 146/306 trường học có phòng y tế. Những khó khăn này còn kéo theo nhiều khó khăn khác, trong đó lớn nhất là kinh phí YTTH chủ yếu lấy từ nguồn Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh. Tuy nhiên, theo quy định, nhà trường muốn được trích chuyển 5% số tiền BHYT học sinh yêu cầu phải có nhân viên y tế có đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh; ngoài ra, phải có phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng để thực hiện việc sơ, cấp cứu, xử trí ban đầu cho HS khi xảy ra tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập tại trường. Nhiều trường không đáp ứng các yêu cầu trên. Để được trích tiền BHYT phải hợp đồng với trạm y tế hoặc cơ sở y tế đủ điều kiện, do đó thiếu tính chủ động trong triển khai các hoạt động YTTH.

Nhân viên y tế Trường Mẫu giáo Phước Mỹ (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) thống kê thuốc. Ảnh: Văn Nỷ

Nội dung công việc của nhân viên y tế học đường đã được quy định: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho học sinh ít nhất mỗi năm một lần vào đầu năm học. Quản lý và lưu hồ sơ theo dõi sức khỏe của học sinh. Mua, bảo quản và cấp thuốc theo quy định. Chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế trong những trường hợp cần thiết. Ở các trường nội trú, bán trú, nhân viên y tế còn là người giám sát khâu vệ sinh, lưu mẫu thức ăn hằng ngày để kiểm tra nếu không may xảy ra ngộ độc thực phẩm… Khối lượng công việc rất lớn, trong khi nhân viên y tế lại kiêm nhiệm, không đủ chuẩn nên hiệu quả YTTH không đạt như mong muốn. Theo thống kê, trong năm học 2019-2020, chỉ có 182 trường có xây dựng kế hoạch YTTH; 218 trường có lập sổ theo dõi sức khỏe HS; 145 trường khám sức khỏe đầu vào; 138 trường khám sức khỏe cho HS… Cô giáo Trần Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Hải 1 (Tp.Phan Rang- Tháp Chàm) chia sẻ: Nhà trường nhiều năm nay không có nhân viên y tế chuyên trách, công tác này giao cho nhân viên thư viện kiêm nhiệm, hết sức khó khăn. Do không có chuyên môn, nhiều trường hợp HS bị sốt hay chấn thương… nhà trường không dám cho uống thuốc hay sơ cấp cứu ban đầu mà phải chuyển qua trạm y tế hoặc gọi cho phụ huynh đến xử lý. Công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cũng chỉ đơn giản thu thập một số bài viết rồi đọc trên loa phát thanh chứ chưa tổ chức một cách chuyên sâu…

Cần có giải pháp khắc phục hữu hiệu

HS là nhóm đối tượng trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần, rất cần được chú ý trong giáo dục, rèn luyện sức khỏe, góp phần giúp các em phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Chính vì vậy, quan tâm đầu tư cho YTTH là hết sức cần thiết. Trong tình hình dịch COVID-19, cũng như nhiều bệnh khác đang hết sức phức tạp, đặt ra yêu cầu các trường học phải quan tâm hơn nữa tới công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, giúp các em HS có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng, chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội. Công tác y tế không chỉ đáp ứng về hình thức, đảm bảo các điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất mà đòi hỏi đạt chất lượng cao.

Đồng chí Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngành Y tế rất quan tâm đến công tác y tế trong trường học. Hiện 7/7 huyện, thành phố và cấp tỉnh đều đã phân công cán bộ phối hợp theo dõi, quản lý và triển khai các hoạt động liên quan đến công tác này. Để nâng cao hiệu quả YTTH, thời gian đến, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở Gáo dục và Đào tạo và các ngành liên quan nghiên cứu, đề ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Trước tiên, tham mưu, kiến nghị tỉnh ưu tiên bố trí biên chế nhân viên YTTH. Đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, trang thiết bị trường học bảo đảm đúng tiêu chuẩn tạo điều kiện học tập, sức khỏe cho HS. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu các trường học cần phát huy tinh thần trách nhiệm, quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác này bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao thể chất cho HS cũng như chất lượng giáo dục toàn diện.