Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS

Thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 30-11-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác phối, kết hợp giữa MTTQ, các ngành, đoàn thể trong công tác tổ chức tuyên truyền, vận động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015- 2020 đạt được kết quả bước đầu, nhận thức của nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS được nâng cao.

Bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW được các cấp, các ngành tiến hành nghiêm túc, đã tạo được sự chuyển biến nhận thức về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Theo thống kê của ngành Y tế đến 31-5-2020, số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống 339 người, trong đó 209 là bệnh nhân AIDS; tổng số trường hợp nhiễm HIV/AIDS chết từ khi xuất hiện đại dịch đến nay 211 trường hợp. Số bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV là 192 người (trong đó có 15 trẻ em). Trong khi đó, đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, tổ chức sử dụng trái phép ma túy theo từng nhóm; tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao. Công tác phối hợp tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS chưa được thường xuyên, sâu rộng. Sự hỗ trợ xã hội cho người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng, nhất là tạo công ăn việc làm để ổn định cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận người dân vẫn còn kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS…

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS, thời gian đến tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 54-CT/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng dân cư, đến từng người dân, từng gia đình, nhất là đối tượng thanh thiếu niên và nhóm người có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao (tiêm chích ma túy, mại dâm...), xây dựng thái độ, hành vi ứng xử và nhận thức đúng đắn về nguy cơ và hiểm họa của đại dịch HIV/AIDS; chống phân biệt kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS. Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, lấy dự phòng là chính. Gắn công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống các tệ nạn xã hội với xây dựng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa; xây dựng lối sống lành mạnh... Đẩy mạnh các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống AIDS tại cộng đồng dân cư; chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và các phong trào dựa vào cộng đồng nhằm huy động toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của các ban chỉ đạo, đội ngũ cộng tác viên làm công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường phối hợp liên ngành tuyên truyền vận động, giáo dục nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phòng, chống HIV/AIDS, có chính sách đãi ngộ và tạo điều kiện phát huy năng lực của đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS ở các cấp, gắn kết chặt chẽ việc đào tạo với sử dụng. Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội, để hạn chế lây truyền HIV/AIDS ra cộng đồng.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ tạo điều kiện chữa trị cho các đối tượng này, ngành Y tế tiếp tục duy trì: Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (cơ sở 2) tại địa chỉ đường Bùi Thị Xuân, phường Mỹ Bình sẽ hỗ trợ dịch vụ tư vấn, khám, điều trị ARV và methadone miễn phí; phòng khám ngoại trú của Trung tâm Y tế Tp. Phan Rang - Tháp Chàm địa chỉ số 364 Ngô Gia Tự, phường Tấn Tài sẽ hỗ trợ dịch vụ tư vấn, khám, điều trị ARV miễn phí cho các đối tượng.

* Thực hiện Chỉ thị số 61-CT/TU ngày 6-11-2014 của Tỉnh ủy “Về đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo”, MTTQ các cấp đã tranh thủ những người có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng tộc họ tham gia xây dựng mô hình điểm và duy trì, nhân rộng các mô hình có hiệu quả; củng cố lại 168 Tộc họ tự quản trong đó có 45 Tộc họ xây dựng quy ước về an ninh trật tự; hàng năm phối hợp tổ chức trên 500 buổi họp dân để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 25.000 lượt người tham dự; cấp phát gần 10.500 tài liệu tuyên truyền về ANTT, phát hiện tố giác người phạm tội, tệ nạn xã hội ma túy, mại dâm, buôn bán người… thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần thiết thực xây dựng khu dân cư lành mạnh, xóm đạo bình yên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày được tốt hơn.

* Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng và thành lập được 477 Tổ nhân dân tự quản với hàng nghìn thành viên tham gia phòng, chống tội phạm. Từ phong trào, các địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tiên tiến cần được biểu dương và nhân rộng như: “Xã, phường không có tội phạm và tệ nạn”; “Trường học không có ma túy”, “Chị em phụ nữ vận động chồng, con không phạm tội và tệ nạn xã hội”; “Gia đình ký cam kết không để người thân vi phạm pháp luật”...