Việt Nam tự hào là thành viên tin cậy, có trách nhiệm của Liên hợp quốc

Ngày 20-9-2020 là kỷ niệm 43 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Trong chặng đường ấy, Việt Nam từ một nước nhỏ, chỉ biết đến chiến tranh đói nghèo, đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đề ra, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên hợp quốc cũng không ngừng được củng cố, phát triển và Việt Nam luôn nỗ lực là một thành viên tin cậy, có trách nhiệm của Liên hợp quốc.

Thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc - Những thời khắc lịch sử khó quên

Ngược dòng lịch sử, Liên hợp quốc chính thức được thành lập ngày 24-10-1945, ngay sau khi nhân loại thoát khỏi sự tàn phá khốc liệt của Chiến tranh Thế giới thứ hai với sứ mệnh cao cả được ghi rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc, đó là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới cùng mục đích hàng đầu là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo và bảo đảm quyền con người. Với ý nghĩa đó, sự ra đời của Liên hợp quốc có giá trị như một bước ngoặt trong lịch sử, mang lại những biến đổi to lớn cho hòa bình và tiến bộ chung của nhân loại.

Việt Nam có nguyện vọng tham gia Liên hợp quốc từ rất sớm, chỉ 4 ngày sau khi tổ chức này họp khóa đầu tiên, ngày 10/1/1946 tại thủ đô London (Anh). Ngày 14/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nộp đơn xin gia nhập Liên hợp quốc. Tuy nhiên, phải đợi 31 năm sau, qua bao thăng trầm của cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, ngày 20/9/1977, đúng 9 giờ sáng tại tòa sảnh chính của trụ sở Liên hợp quốc, lễ thượng cờ Việt Nam được diễn ra theo nghi lễ gia nhập thành viên của Liên hợp quốc. Đây là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ghi nhận của tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ.

Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu sau chiến tranh, cùng với sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ của Liên hợp quốc và các nước bạn bè trên thế giới, Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Công cuộc đổi mới và chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ “sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy” đã giúp Việt Nam nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Từ chỗ bị bao vây cấm vận kinh tế, chưa có tiếng nói trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam đã có một vị thế quan trọng trên trường quốc tế.

Kể từ khi chính thức gia nhập Liên hợp quốc năm 1977, Việt Nam luôn là một thành viên tin cậy, có trách nhiệm. Việt Nam luôn chủ động và có nhiều đóng góp thiết thực vào các hoạt động của Liên hợp quốc với sự tham gia ngày càng sâu rộng, hiệu quả hơn trên nhiều lĩnh vực. Không chỉ là thành viên tích cực trong nỗ lực chung tay xây dựng hòa bình, Việt Nam luôn đề cao sự cần thiết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực…

Trong hơn 4 thập kỷ qua, sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu tiêu biểu của sự hợp tác phát triển giữa các tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc và các nước thành viên.

Chủ động đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của quốc tế vì hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ

Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp nhiều mặt của Việt Nam vào sự phát triển của Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên đã tín nhiệm nhiều lần bầu Việt Nam vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Điều này cho thấy vị thế, uy tín quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam - một quốc gia đang phát triển năng động, chủ động hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực và có trách nhiệm giải quyết các thách thức của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

Nổi bật là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh quốc tế. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học năm 1998; là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996; thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1996.

Ngoài ra, Việt Nam sớm tham gia vào quá trình chuẩn bị cho các hội nghị lớn như: Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 2000, năm 2005, năm 2010; Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ năm 2001, năm 2003...

Sự kiện quan trọng đánh dấu vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc còn là việc Việt Nam tham gia ứng cử và được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc nhiệm kỳ năm 1997; thành viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế nhiệm kỳ 1997-1999; được bầu vào Ủy ban Phát triển xã hội và Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc tháng 5-2000; bầu vào Ban Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa tháng 10-2001; Ủy viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế năm 2003.

Việt Nam đồng thời là thành viên Hội đồng Điều hành của Chương trình Phát triển và Quỹ Dân số Liên hợp quốc; thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018; thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016).

Tháng 6/2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Sau 6 năm, Việt Nam đã triển khai hàng trăm quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Riêng tại hai phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, Việt Nam hiện đã cử 73 quân nhân, trong đó có 12 nữ (chiếm tỷ lệ 16%) tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình.

Nhằm thúc đẩy Liên hợp quốc phát huy vai trò là một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân loại, Việt Nam còn tích cực tham gia xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế của Liên hợp quốc. Trong năm 2017, Việt Nam là một trong 52 nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân và năm 2018 là nước thứ 10 phê chuẩn hiệp ước này…

Tự tin hoàn thành trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021

Một sự kiện đặc biệt đáng nhớ ghi nhận uy tín của Việt Nam tại Liên hợp quốc, đó là vào tháng 6/2019, Việt Nam đã vinh dự lần thứ hai trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu thuận. Điều này thể hiện sự tín nhiệm, ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những đóng góp của Việt Nam trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh quốc tế. Sự kiện này không chỉ đưa đối ngoại đa phương Việt Nam lên tầm cao mới mà còn khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Đó cũng là sự nhìn nhận và tôn trọng những thành tựu Việt Nam đạt được trong quá trình đổi mới như hoàn thiện nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, các nhóm dân cư và về hội nhập quốc tế. Trong lần thứ hai đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc này, Việt Nam đã tham gia trên tinh thần độc lập, tự chủ, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường ủng hộ tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, đồng thời chia sẻ các nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực.

Kể từ khi trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam chỉ có 6 tháng để chuẩn bị cho vai trò là Chủ tịch ngay trong tháng 1/2020, tháng đầu tiên của nhiệm kỳ. Nhưng cho dù thách thức là rất lớn song Việt Nam đã rất chủ động, liên tục chủ trì hàng loạt cuộc họp quan trọng nhằm đưa ra các quyết sách cho những vấn đề nóng nhất trên thế giới, bao gồm cả những vấn đề rất phức tạp và kéo dài chưa thể giải quyết.

Trong nhiệm kỳ đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ (2020-2021), Việt Nam đã công bố 7 ưu tiên chính bao gồm: Ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo Điều 6 Hiến chương Liên hợp quốc; Cải tiến cách thức làm việc của Hội đồng Bảo an, tăng cường hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực theo Điều 8 Hiến chương Liên hợp quốc; Vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống người dân tại các nơi xung đột; Phụ nữ, hòa bình, an ninh và trẻ em trong xung đột vũ trang; Khắc phục hậu quả xung đột (gồm hiểm họa bom mìn còn sót lại sau xung đột); Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Tác động của biến đổi khí hậu tới hòa bình và an ninh.

Trong 9 tháng qua, trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021), Việt Nam đã chủ động, tham gia sâu, và nắm bắt các cơ hội để thúc đẩy quan tâm lợi ích và ưu tiên của Việt Nam tại HĐBA một cách hiệu quả hơn, như: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham gia và phát biểu tại cuộc họp trực tuyến cấp cao về chủ đề "Kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai" theo lời mời của Ngoại trưởng Estonia; Việt Nam tham gia đồng tổ chức cuộc thảo luận trực tuyến về chủ đề : "Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang là bảo vệ thường dân".

Sự chủ động của Việt Nam còn thể hiện ở việc cùng 8 nước thành viên không thường trực khác đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp trực tuyến thảo luận về đại dịch COVID-19 vào đầu tháng 4/2020 và đây là cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Bảo an về vấn đề này. Ngoài ra Việt Nam cũng tham gia và có nhiều đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng các văn kiện của Hội đồng Bảo an, đáp ứng quan tâm chung và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đặc biệt, Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức 2 sự kiện quan trọng thu hút sự quan tâm của Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế và tạo dấu ấn của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an.

Trước hết, đó là phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an với chủ đề "Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế" do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì với sự tham gia và phát biểu của tổng cộng 111 diễn giả (trong đó có đại diện của 106 quốc gia). Tại sự kiện này, Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua Tuyên bố Chủ tịch do Việt Nam chủ trì soạn thảo. Tuyên bố khẳng định giá trị vững bền của Hiến chương trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển luật pháp quốc tế và điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia; tái khẳng định cam kết của Hội đồng Bảo an đối với tôn chỉ, mục đích của Hiến chương. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hội đồng Bảo an thông qua một tuyên bố riêng về Hiến chương Liên hợp quốc.

Việt Nam cũng đã tổ chức phiên họp về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (tháng 1/2020). Sự kiện này khẳng định rõ vai trò của Việt Nam vừa là Chủ tịch ASEAN 2020 và nước ủy viên không thường trực HĐBA, thể hiện nỗ lực của Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa hai tổ chức, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như, giải quyết tranh chấp, ngoại giao phòng ngừa, giải trừ quân bị, gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, hợp tác biển, an ninh hàng hải.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đề xuất tổ chức đối thoại cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc về phát triển bền vững dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc vào tháng 10/2020 tới...

Với những gì đã làm được, lãnh đạo Liên hợp quốc, các nước và dư luận quốc tế có nhiều nhận định, đánh giá tích cực về vai trò, sự tham gia của Việt Nam, thể hiện vai trò một Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc luôn chủ động đóng góp vào mọi lĩnh vực hoạt động của Liên hợp quốc. Điều này góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam, tạo tiền đề để Việt Nam tự tin phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của mình, đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, đồng thời khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, chủ động của Liên hợp quốc, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Theo TTXVN