Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác ứng phó hạn trên địa bàn huyện Thuận Nam

Ngày 16-9, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình, tác động và công tác ứng phó hạn trên địa bàn huyện Thuận Nam. Cùng đi có các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Theo báo cáo của UBND huyện, từ đầu năm đến nay, tình trạng khô hạn thiếu nước sản xuất xảy ra diện rộng trên địa bàn huyện. Theo đó, toàn huyện đã ngưng sản xuất với tổng diện tích hơn 2.800 ha (trong đó, hơn 1.800 ha lúa, 1.000 ha cây màu các loại); thiệt hại gần 65 ha cây trồng các loại; 2,54 ha diện tích rừng bị cháy, chủ yếu là thảm thực vật… Huyện đã họp và thống nhất hỗ trợ trên 700 triệu đồng thiệt hại do thiên tai gây ra. Tính đến ngày 15-9, mực nước tại các hồ trên địa bàn như sau: Tân Giang khoảng 6,5 triệu m3, Sông Biêu khoảng 0,46 triệu m3, Núi Một khoảng 0,95 triệu m3, CK7 khoảng 0,25 triệu m3…; đảm bảo triển khai sản xuất vụ mùa năm 2020 cho hai xã đầu nguồn là Phước Hà và Nhị Hà với diện tích là 896,4 ha (trong đó: cây lúa 612 ha; cây màu các loại 284,4 ha).

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với huyện Thuận Nam về tình hình, tác động và công tác ứng phó hạn.

Nhận định tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó hạn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong thời gian tới, nhất là các tháng mùa khô năm 2020-2021, yêu cầu huyện chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch ứng phó hạn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Trong đó, quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt, ưu tiên nguồn nước cho chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; huy động cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc, tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn hiểu, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hạn, có giải pháp phù hợp để dự trữ nước ngay từ cuối mùa mưa năm nay, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Cơ quan chuyên môn, địa phương hướng dẫn người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các khu vực không chủ động về nguồn nước, thường xuyên bị hạn, thiếu nước sang phát triển nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả. Hướng dẫn cụ thể lịch thời vụ, cơ cấu, giống cây trồng phù hợp cho từng khu vực trên cơ sở dự báo về nguồn nước; khuyến cáo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với cây ăn quả tại các vùng có nguy cơ thiếu nước cao. Bên cạnh đó, chủ động thực hiện sớm việc nạo vét kênh, đào ao, giếng để trữ nước; tham mưu, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là các công trình thoát lũ vào mùa mưa, giữ nước vào mùa khô…