Gỡ vướng để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Trong năm 2020, tỉnh ta xác định có 5 công trình trọng điểm, trong đó có 4 công trình đẩy nhanh tiến độ. Đây là những công trình có nguồn vốn lớn, phần việc nhiều và có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, nên các dự án, các hạng mục công trình đang bị chậm về tiến độ so với kế hoạch.

Dự án hồ chứa nước Sông Than (Ninh Sơn) được UBND tỉnh phê duyệt triển khai từ năm 2017, với tổng mức đầu tư 855 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Theo kế hoạch, công trình thi công trong 3 năm để hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2020. Đến nay, mặc dù dự án đã được bố trí đủ vốn nhưng do gặp vướng mắc về mặt bằng nên tiến độ thi công bị đình trệ. Hiện chỉ mới giải ngân được trên 600 tỷ đồng, đạt 70,2% kế hoạch. Theo đại diện chủ đầu tư, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục như: đào móng, khoan phụt cửa đập chính; đường dây điện trung áp và trạm hạ áp, kênh thông hồ và đường tránh lòng hồ giai đoạn 1. Các hạng mục còn lại đang triển khai thi công gồm: đắp đất và đổ bê tông đập chính, đường tránh lòng hồ giai đoạn 2 và nhà quản lý vận hành. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đó là công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Trong tổng số diện tích giải phóng mặt bằng 1.011 ha đất, có 408 ha là đất của người dân phải bồi thường và 712,43 ha đất rừng phải xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng. Về đất của dân có 232/284 hộ đã có quyết định bồi thường và đồng ý nhận chi trả, vẫn còn 49 trường hợp với 94,69 ha chưa hoàn tất thủ tục bồi thường. Còn lại diện tích đất rừng hiện vẫn phải chờ ý kiến của các bộ, ngành Trung ương cho chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định mới có mặt bằng để thi công. Trong khi đây lại là vị trí quan trọng nhằm thi công đập chính của dự án.

Các dự án gặp khó khăn chủ yếu do vướng về công tác giải phóng mặt bằng thi công. Ảnh: NAT

Đối với dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là dự án có tổng mức đầu tư trên 1.933 tỷ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) 1.655 tỷ đồng đồng và vốn đối ứng là 278,3 tỷ đồng. Dự án đã được ký Hiệp định tài trợ từ năm 2017 và tiến hành thực hiện thời gian từ năm 2018 đến năm 2022. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh trên nhiều mặt. Tuy nhiên, đến nay dự án mới chỉ giải ngân được 136 tỷ đồng, đạt 19,7% kế hoạch vốn đã giao. Theo báo cáo tiến độ của đơn vị chủ đầu tư, đến tháng 6 năm 2020 đã hoàn thành đấu thầu 4/14 gói thầu tư vấn, 2/4 gói thầu xây lắp của giai đoạn 30% dự án; đang chuẩn bị thủ tục đấu thầu cho các gói thầu còn lại và tập trung triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ theo lộ trình thực hiện. Đến nay mới tiến hành chi trả đền bù cho 121/255 hộ dân và 1/8 tổ chức. Số còn lại đang tiếp tục hoàn tất hồ sơ bồi thường, đồng thời đang triển khai thi công các hạng mục xây dựng hạ tầng khu tái định cư Phan Đăng Lưu; mở rộng, kéo dài đường hẻm 105 và xây dựng nhà vệ sinh trường học cộng đồng.

Dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung -tỉnh Ninh Thuận gồm 7 dự án thành phần như: Xây dựng kè bảo vệ bờ Sông Dinh, khu vực xã Phước Sơn (Ninh Phước); kè bảo vệ khu dân cư 2 bên bờ Sông Lu, chống sạt lở bảo vệ khu dân cư Bà Râu (Thuận Bắc); kè bảo vệ bờ Sông Ông, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn); kiên cố hóa hệ thống kênh mương cấp 2, 3 hồ chứa nước Tân Giang và hồ chứa nước Tà Ranh (Ninh Phước); tu sửa mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn; sửa chữa, cải tạo đường Tà Nôi - Ma Nới (Ninh Sơn) và sửa chữa, cải tạo đường từ Quốc lộ 1A đi Phước Hà và đường Từ Thiện - Vĩnh Trường. Đến nay, hầu hết các dự án thành phần mới ở giai đoạn triển khai bước lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng thi công xây dựng. Do đó lượng vốn giải ngân tính đến cuối tháng 6-2020 mới đạt trên 32 tỷ đồng, xấp xỉ 14% kế hoạch vốn đã giao.

Các dự án gặp khó khăn chủ yếu do vướng về công tác giải phóng mặt bằng thi công.

Dự án Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cơ sở 2 là dự án có tiến độ thi công khá nhanh so với các dự án trong điểm khác của tỉnh. Tuy nhiên, cũng do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với 7 hộ dân nên tiến độ triển khai thi công có chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Đây là dự án có tổng mức đầu tư được duyệt 197,2 tỷ đồng, đến nay dự án đã triển khai đạt tiến độ trên 75% kế hoạch. Một trong những dự án được kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đó là dự án đường đôi vào thành phố đoạn phía Nam. Tuy nhiên, do hiện nay chưa được bố trí vốn nên dự án vẫn chưa thể triển khai thi công. Trên cơ sở kiến nghị của tỉnh, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020, làm cơ sở bố trí kế hoạch vốn năm 2020 để triển khai thực hiện.

Xác định việc đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các dự án trọng điểm là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị chủ đầu tư tập trung đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công. Các chủ dự án rà soát, nắm bắt cụ thể các khó khăn vướng mắc, tập trung làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng của từng dự án để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời hiệu quả, nhất là các dự án trọng điểm, dự án quy mô lớn. Chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện và cam kết tiến độ theo từng quý đối với từng dự án cụ thể. Tin rằng, với sự chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, trong thời gian tới những công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh sẽ được triển khai với tốc độ nhanh hơn và hoàn thành đạt được kỳ vọng phát triển của tỉnh, thiết thực phục vụ nhu cầu của người dân vùng dự án.