Làng nghề bánh hỏi Phước Lợi ứng dụng công nghệ sản xuất bằng máy

Cơ sở sản xuất bánh hỏi Kim Phượng ở thôn Phước Lợi mỗi ngày sử dụng 150 kg gạo để sản xuất ra khoảng 300 kg bánh hỏi cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quy trình chế biến, đầu năm 2019, cơ sở đã đầu tư trên 700 triệu đồng để tự động hoá toàn bộ quy trình sản xuất. Việc xay bột, hấp bột, tạo hình cho bánh, hấp bánh đều được thực hiện bằng hệ thống máy liên hoàn. Dụng cụ phục vụ chế biến đều thiết kế bằng chất liệu inox sạch sẽ, mỗi mẻ bánh ra lò đều được đánh số thứ tự để tiện cho việc theo dõi chất lượng sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, chia sẻ: Nghề bánh hỏi được gia truyền lâu đời, đến nay gia đình đã sắm dàn máy làm nghề cho đỡ sức người và sản phẩm được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Toàn bộ dàn máy tôi sắm là bằng inox hết, không có cái gì bằng tre hay bằng sắt. Hồi trước làm 1 bao gạo từ 4 giờ sáng đến 7- 8 giờ đêm mới xong, còn hôm nay cũng 1 bao gạo làm từ 4 giờ sáng tới 11-12 giờ trưa là xong nên nó giúp giảm sức người và số lượng bánh làm ra nhiều hơn, đảm bảo an toàn hơn và hiệu quả kinh tế cũng cao hơn trước đây.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng ứng dụng máy móc trong sản xuất bánh hỏi.

Hiện nay làng nghề bánh hỏi Phước Khánh có 36 hộ sản xuất, kinh doanh bánh hỏi, mỗi ngày cung cấp cho thị trường gần 2 tấn bánh hỏi. Trước đây đa số bà con đều sản xuất bằng thủ công cho năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì đa số các công đoạn đều làm bằng tay. Đầu năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, nhiều hộ sản xuất bánh hỏi ở thôn Phước Lợi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư dây chuyền sản xuất bằng máy nhằm tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng thu nhập cho gia đình.

Bà Nguyễn Thị Yến Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết: Làng nghề bánh hỏi Phước Lợi là làng nghề truyền thống của địa phương có từ hàng trăm năm năm nay, trước đây việc sản xuất của bà con chủ yếu là thủ công nên năng suất, chất lượng không cao. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, thời gian qua, nhiều hộ dân sản xuất bánh hỏi đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư, qua đó giúp nhiều hộ nâng cao kinh tế gia đình và tạo ra sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm. Về mặt quản lý nhà nước thì hằng năm xã tổ chức 2 đợt kiểm tra, trong đó vào dịp tết Nguyên đán và dịp các lễ, hội khác. Đến nay hầu hết các hộ sản xuất banh hỏi đều tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, qua đó tạo sự tin tưởng cho người sử dụng khi dùng bánh hỏi ở địa phương.

Việc ứng dụng công nghệ sản xuất bánh hỏi bằng máy đã mở ra hướng đi mới cho các cơ sở sản xuất ở làng nghề bánh hỏi Phước Lợi, qua đó giúp các cơ sở tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường và tăng thu nhập cho các hộ làm nghề.