Ninh Hải: Tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế biển và du lịch

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Ninh Hải đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục khó khăn, tập trung thu hút nguồn lực để khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của biển. Từ đó, từng bước phát triển kinh tế biển (KTB) và du lịch (DL) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Ấn tượng những con số

Với bờ biển dài khoảng 58 km, vừa có núi, vừa có biển nên Ninh Hải được coi là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển KTB và DL. Trên cơ sở lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên đẹp, nguồn tài nguyên DL biển phong phú, Ninh Hải xác định DL biển là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính đột phá trong phát triển KTB. Trong nhiệm kỳ qua, DL đã có bước phát triển vượt bậc gắn với khai thác lợi thế KTB, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Để đẩy mạnh phát triển DL, huyện đã chú trọng quy hoạch phát triển không gian DL theo vùng với các loại hình DL sinh thái nghỉ dưỡng, DL tâm linh, DL cộng đồng, DL vườn, thể thao đa dạng, phong phú.

Vịnh Vĩnh Hy - điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Việc nâng cấp, mở rộng và đưa vào sử dụng tuyến đường ven biển, cầu Ninh Chữ, cầu Vĩnh Hy, cầu tàu và tuyến đường dân sinh khu vực Bãi Kinh và một số tuyến đường đã tạo điều kiện thuận lợi việc lưu thông, phục vụ các điểm DL. Bên cạnh đó, công tác quản lý tài nguyên môi trường và an ninh trật tự luôn được quan tâm, tạo môi trường phát triển DL thân thiện, đã góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách đến địa phương. Trong 5 năm qua, ngành DL của huyện đã đón 5,1 triệu lượt khách, tăng 160% lượt khách so với năm 2015, doanh thu đạt trên 2.887 tỷ đồng, giải quyết trên 8.800 lao động trong lĩnh vực DL. Trong đó, nhiều điểm đến nghỉ dưỡng DL như: Vĩnh Hy, Hang Rái, Amanơi… thu hút đông du khách khi đến Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, Ninh Hải còn chủ trương phát triển đồng bộ ngành thủy sản theo hướng khai thác, nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu. Phát triển thủy sản gắn với nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Toàn huyện hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 600 ha, diện tích nuôi tôm thương phẩm 500 ha/năm, sản lượng thu hoạch 2.100 tấn/năm; 316 cơ sở sản xuất có sức cạnh trạnh cao, sản lượng tôm giống bình quân 19,6 tỷ post/năm.

Với định hướng trở thành trung tâm nghề cá của tỉnh, Ninh Hải chú trọng phát triển số lượng tàu cá có công suất lớn, cải tiến, nâng cấp các tàu cá có công suất nhỏ để vươn khơi; quan tâm việc đào tạo nghề, hình thành một đội ngũ lao động khai thác hải sản có chuyên môn và tay nghề cao, làm chủ các phương tiện đánh bắt hiện đại. Đến nay, năng lực tàu thuyền toàn huyện có 834 chiếc với công suất 132.590 CV, công suất bình quân 158,98 CV/chiếc, sản lượng khai thác đạt 25.065 tấn/năm.

Ngư dân cải hoán tàu thuyền và hình thành các tổ đội đoàn kết đánh bắt triển biển đã phát huy hiệu quả khai thác hải sản.

Tranh thủ nguồn lực đầu tư, huyện đã nâng cấp mở rộng bến cá Mỹ Tân và Khu neo đậu tránh trú bão Ninh Chữ, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá, đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão, phát triển bền vững nghề cá, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho ngư dân. Bên cạnh đó, nhiều diêm dân đã đầu tư công nghệ sản xuất muối sạch trải bạt, sản lượng, chất lượng muối kết tinh và giá bán cao, ổn định. Diện tích muối diêm dân 652 ha (trong đó có 60 ha muối trải bạt). Sản lượng muối diêm dân, công nghiệp bình quân hàng năm đạt 290 ngàn tấn; có 4 cơ sở sản xuất chế biến muối tinh và muối Iốt.

Đích đến phát triển kinh tế nhanh, bền vững

Với mục tiêu phát triển giai đoạn 2020-2025 của huyện là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, chú trọng phát triển KTB và DL, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ. Đồng chí Nguyễn Thành Phú, Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, cho biết: Để đạt các mục tiêu đề ra, huyện đề ra nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển tiềm năng lợi thế KTB và DL đó là tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, chất lượng nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

Cụ thể, nhằm tạo động lực phát triển KTB và DL gắn với phát triển dịch vụ, thời gian tới, huyện chú trọng tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là dọc tuyến đường ven biển, khu vực Đầm Nại phục vụ cho yêu cầu phát triển đô thị, DL biển. Phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, cơ quan, Hiệp hội DL đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá xúc tiến DL đi vào chiều sâu, nâng cao thương hiệu DL của huyện nhất là Ninh Chữ, Vĩnh Hy. Đẩy nhanh tiến độ các dự án DL quy mô lớn, đẳng cấp cao, hình thành các sản phẩm DL đặc thù, độc đáo, tạo điểm nhấn riêng biệt của huyện gắn với phát triển kinh tế, phát triển sản xuất, kết nối các tuyến DL để Ninh Hải trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Hình thành khu vực dành riêng cho hoạt động thể thao giải trí biển (lướt ván diều, lặn biển, bơi lội, ca-nô...), trước mắt tập trung vào khu vực thôn Mỹ Hòa, Vĩnh Hy xã Vĩnh Hải; khu vực Khánh Hội, xã Tri Hải, nhằm thu hút khách DL, đặc biệt là lượng khách quốc tế.

Du khách quốc tế lướt ván diều tại khu vực biển thôn Mỹ Hòa,  xã Vĩnh Hải. Ảnh: Văn Nỷ

Song song với phát triển DL, huyện cũng đẩy mạnh phát triển ngành thuỷ sản theo hướng bền vững, khai thác tiềm năng lợi thế về KTB cả về khai thác, nuôi trồng, chế biến và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển thủy sản gắn với phát triển DL và công nghiệp ven biển gắn với bảo vệ môi trường tài nguyên biển. Tiếp tục đẩy mạnh khai thác xa bờ, gắn kết hoạt động khai thác với bảo vệ quốc phòng-an ninh, môi trường biển và nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là vùng nước ven bờ, đầm, vịnh, cung ứng nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Phát triển sản xuất muối theo quy hoạch chung của tỉnh; tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, phát triển ngành nghề chế biến sản phẩm sau muối nhằm tăng chất lượng, giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đi đôi với phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, công nghiệp sản xuất muối và sản phẩm sau muối. Tập trung tuyên truyền vận động nhân dân để tạo sự đồng thuận trong triển khai các dự án đầu tư. Chú trọng đến bảo vệ môi trường nhất là rác thải, gắn với đảm bảo an ninh trật tự tạo môi trường bình yên, thân thiện với du khách.