Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2020)

Sáng mãi tinh thần Thanh niên xung phong Việt Nam

Năm 1954, cả thế giới bất ngờ trước thất bại của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ. Người ta không biết rằng, phía sau đội quân được trang bị thô sơ, thiếu thốn ấy, không chỉ là một dân tộc sẵn sàng hy sinh, mà còn có một lực lượng có sức mạnh bạt núi san rừng, đó là lực lượng thanh niên xung phong.

Lực lượng quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong trận chiến tại Điện Biên Phủ, so sánh về tương quan lực lượng quân đội, trang bị vũ khí lẫn kinh nghiệm chiến đấu, không ai tin rằng, nước Pháp có thể thua trước Việt Nam. Thêm nữa, để đến được lòng chảo Điện Biên phải đi qua địa hình đặc biệt hiểm trở. Người Pháp tin rằng, Việt Nam không thể bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày trong các điều kiện phức tạp khi tấn công Điện Biên Phủ.

Lực lượng dân công vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Từ cuối năm 1953 đến hết chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã huy động tối đa về sức người, sức của cho mặt trận. Gần 20.000 TNXP thực hiện hỗ trợ chiến đấu, vận tải lương thực, làm đường dã chiến trong khoảng thời gian cực ngắn, dưới các điều kiện rất khó khăn trên miền núi, lại luôn bị máy bay Pháp oanh tạc. Trong quá trình chiến dịch, khoảng 8.000 người được chuyển sang các đơn vị bộ đội chủ lực để bổ sung lực lượng. Sức mạnh từ những đơn vị hỗ trợ này đã gây nên sự bất ngờ lớn ngoài tầm dự tính của các chỉ huy Pháp. Có thể nói, nhờ sự góp sức của lực lượng TNXP, những tính toán, dự đoán của Pháp đã bị đảo lộn hoàn toàn. Quân Pháp bị đặt vào thế trận không thể lường trước và phải chịu một thất bại thảm hại tại Điện Biên.

Không có việc gì khó

Đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch lịch sử với sức mạnh to lớn, nhưng lực lượng TNXP chỉ mới được thành lập trước đó 4 năm, ngày 15-7-1950. Theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên (tiền thân của lực lượng TNXP Việt Nam) được thành lập tại Núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm 225 cán bộ, chiến sĩ. Đội thực hiện mục tiêu “giác ngộ lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng để phát huy sức mạnh dời non lấp biển của lớp người trẻ tuổi, phục vụ công cuộc kháng chiến cứu nước thành công; đồng thời làm một “trường học lớn” của cách mạng để đào tạo, rèn luyện các thế hệ cán bộ ngay từ tuổi thanh niên, ngay từ trong khói lửa chiến tranh, có bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất cách mạng “vừa hồng vừa chuyên” phục vụ công cuộc kiến quốc, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc lâu dài về sau”.

Chỉ sau 2 tháng ra đời, đầu tháng 9-1950 Đội TNXP công tác Trung ương đã nhận lệnh lên đường phục vụ chiến dịch Biên giới. Các chiến sĩ TNXP đã dũng cảm vượt qua lửa đạn, phục vụ bộ đội tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Đông Khê, diệt 300 tên địch mở màn thắng lợi chiến dịch Biên giới (1950-1952).

Một sự kiện đặc biệt là ngày 20-3-1951, trên đường đi kiểm tra chiến dịch, Bác Hồ đã đến thăm đơn vị TNXP 312 đang làm nhiệm vụ tại khu rừng cầu Nà Cù, Bắc Kạn. Bác đã đọc tặng TNXP 4 câu thơ lịch sử: “Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Bốn câu thơ của Bác đã trở thành định hướng tư tưởng, giáo dục, rèn luyện nghị lực cho lực lượng TNXP và cho cả thế hệ trẻ Việt Nam. Các thế hệ thanh niên Việt Nam không ai không thuộc những lời dạy quý báu này, và nhạc sĩ Hoàng Hòa đã phổ nhạc thành bài Đoàn ca nổi tiếng.

Kể từ ngày ấy, lực lượng TNXP đã không ngừng phát triển và đã phát huy cao độ chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, đóng góp công sức, trí tuệ, máu xương và cống hiến toàn bộ tuổi thanh xuân để góp phần cùng toàn quân, toàn dân làm nên những chiến công oanh liệt. Từ Đội TNXP công tác Trung ương, lực lượng TNXP đã không ngừng phát triển, trưởng thành theo sự lớn mạnh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, TNXP đã hoạt động ngày đêm, sát cánh cùng các đơn vị lực lượng vũ trang, giao thông vận tải, dân công, đồng bào các dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ quan trọng: phục vụ chiến đấu, chiến đấu, mở đường, đảm bảo giao thông, rà phá bom mìn, vận chuyển và chăm sóc thương binh... Những chiến công của lực lượng TNXP đã góp phần làm nên những kỳ tích lịch sử mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sức mạnh chiến lược của quân đội trong kháng chiến chống Mỹ

Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân xâm lược nước ta. Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, ngày 21-6-1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71/CT-TTg về tổ chức lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước. Thực hiện chỉ đạo đó, Đoàn thanh niên lao động Việt Nam đã phát động trong thanh niên cả nước phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên miền Bắc, quyết đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ và cao trào “5 xung phong” của thanh niên miền Nam, quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Từ phong trào đã có trên 25 vạn nam, nữ thanh niên tình nguyện ra nhập lực lượng TNXP, tiếp bước cha anh lên đường với quyết tâm “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Lực lượng TNXP đã có mặt trên khắp các tuyến đường ra trận, vượt sông sâu đèo cao, treo người bạt núi, lấp hố bom, lấy thân mình cứu các con đường, các bến phà; lấy sự thông minh và ý chí dũng cảm đối đầu với phi pháo của giặc.

Họ là những người mở đường chiến lược; vận chuyển quân trang, lương thực thực phẩm; vận chuyển thương binh, liệt sĩ; chốt giữ những trọng điểm địch đánh phá để san lấp tháo gỡ bom mìn, sửa chữa cầu đường, đảm bảo mạch máu giao thông Bắc-Nam luôn thông suốt với khẩu hiệu “tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”. Những địa danh ghi đậm chiến công của TNXP thời kỳ này như Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hàm Rồng, đường 20 Quyết Thắng, núi Nhồi, hang Tám Cô… mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc với niềm tự hào bi tráng nhất, góp phần quan trọng cùng nhân dân cả nước làm nên “Đại thắng mùa Xuân 1975” đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam

Trong 25 năm, trải qua hai cuộc kháng chiến, đã có khoảng 50 vạn TNXP xung kích trên khắp mọi miền Tổ quốc. Sự hy sinh mất mát của các anh, các chị cho sự nghiệp giải phóng đất nước vô cùng lớn lao: 46.000 người bị thương, trên 10.000 người nhiễm chất độc hóa học. 10.000 người khác đã anh dũng hy sinh khi dưới làn bom đạn, hóa thân vào màu đỏ của lá cờ Tổ quốc và màu xanh hòa bình của đất trời Việt Nam. Bên cạnh đó, còn 35.000 người khác tình nguyện tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở các chiến trường B, K, C… Dù ở đâu, lúc nào TNXP cũng góp công sức, trí tuệ, máu xương và cũng có những hành động anh hùng, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Hình ảnh những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong mở đường, làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, tải thương… trên mọi cung đường đã in đậm trong tâm trí của người dân Việt Nam.

Không chỉ cống hiến thanh xuân cho hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, trên bốn vạn cán bộ, đội viên TNXP đã có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, lao động quên mình trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế và thi đua tình nguyện hoàn thành vượt mức kế hoạch trong lao động sản xuất, công tác và học tập. Họ cùng tuổi trẻ cả nước xây dựng hàng trăm công trình kinh tế xã hội, như: Công trình đường sắt Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Vinh, công trình đường giao thông 426 Tây Bắc, Khu gang thép Thái Nguyên, Thủy điện Thác Bà, Mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng, Nhà máy cơ khí Hà Nội... góp phần làm nên một hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa vững chắc, đảm bảo sức người, sức của phục vụ cho công cuộc kháng chiến của dân tộc. Và, cũng trên chặng đường ấy, lực lượng TNXP có những bước trưởng thành vượt bậc về phẩm chất cách mạng “vừa hồng vừa chuyên” theo tư tưởng “trường học lớn TNXP” của Bác Hồ. Hình ảnh các đội viên TNXP đã trở thành biểu tượng đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đã đi vào thơ ca, sử sách và tâm trí của toàn dân.

Sau chặng đường 70 năm đầy gian lao thử thách song rất đỗi vinh quang, tự hào, lịch sử TNXP Việt Nam là pho sử bằng vàng thể hiện sự trưởng thành vượt bậc, sự cống hiến to lớn của các thế hệ TNXP trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, kiến thiết xây dựng đất nước. Cùng với những cựu TNXP năm xưa, thanh niên hôm nay đã và đang viết tiếp những trang sử vẻ vang, xứng đang là biểu tượng rực rỡ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Theo TTXVN