Cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ đi về đâu?

Trong một động thái nhằm đáp trả việc Mỹ áp đặt hạn chế lên các cơ quan thông tấn Trung Quốc hồi tháng trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa quyết định làm điều tương tự đối với 4 cơ quan truyền thông Mỹ tại nước này. Những động thái này của hai nước được nhận định tiếp tục làm phức tạp thêm mối quan hệ song phương vốn đã căng thẳng thời gian qua.

Căng thẳng mới trong lĩnh vực truyền thông…

Thời gian qua, song song với những căng thẳng liên quan đến thương mại cũng như dịch bệnh COVID-19, giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã có những hành động trả đũa lẫn nhau trong lĩnh vực hoạt động của các cơ quan truyền thông.

Động thái đầu tiên trong căng thẳng liên quan đến vấn đề này là việc ngày 18-2-2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa 5 cơ quan thông tấn, báo chí của Trung Quốc bao gồm hãng tin Tân Hoa Xã, Đài truyền hình quốc tế Trung Quốc (CGNT), Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI), Trung Quốc nhật báo (China Daily) và Nhân dân nhật báo vào danh mục “các phái bộ nước ngoài”, tức là các cơ quan này sẽ phải có sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ để mua hoặc thuê văn phòng làm việc tại Mỹ và sẽ phải đăng ký sự thay đổi nhân sự với Bộ Ngoại giao Mỹ.

Sau đó, từ ngày 13-3, Mỹ còn yêu cầu 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Mỹ giảm số lượng phóng viên thường trú từ 160 người xuống còn 100 người. Đầu tháng 5, Mỹ tiếp tục ban hành quy định mới nhằm thắt chặt điều kiện cấp thị thực đối với các nhà báo Trung Quốc.

Để trả đũa Mỹ, Bắc Kinh cũng tuyên bố từ ngày 18-3 trục xuất ít nhất 13 nhà báo Mỹ làm việc cho các tờ New York Times, Washington Post và Wall Street Journal, đồng thời yêu cầu các chi nhánh của 3 hãng báo chí này cùng tạp chí Time và đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) kê khai thông tin về nhân viên, tài chính, tài sản cố định và hoạt động tại Trung Quốc.

Động thái trên của Trung Quốc được xem là để nhằm đáp trả việc Mỹ ngày 22-6 vừa qua đã công bố quyết định thay đổi quy chế đối với 4 hãng truyền thông nhà nước của Trung Quốc. Theo quy chế mới, Bộ Ngoại giao Mỹ xếp 4 hãng truyền thông của Trung Quốc, gồm Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Nhân dân Nhật báo, Thời báo Hoàn cầu và hãng tin China News Service (CNS), vào nhóm các phái bộ ngoại giao nước ngoài, thay vì là những cơ quan thường trú truyền thông tại Mỹ. Theo quy chế mới, 4 hãng truyền thông trên của Trung Quốc sẽ phải báo cáo Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin chi tiết về nhân sự và các giao dịch bất động sản ở Mỹ, mặc dù không bị giới hạn hoạt động đưa tin.

…và cạnh tranh chiến lược

Năm 2019, thế giới đã chứng kiến hai “ông lớn” Mỹ-Trung Quốc bước vào một cuộc chiến thương mại khốc liệt và sau đó chỉ tạm yên hồi giữa tháng 1-2020 với việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn I. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch COVID-19 lại một lần nữa thổi bùng lên mâu thuẫn giữa hai nước từ đó đến nay, khi hai bên không ngừng đưa ra các cáo buộc lẫn nhau liên quan tới dịch bệnh nguy hiểm vốn làm chao đảo nền kinh tế thế giới này.

Những căng thẳng giữa hai nước liên quan đến cuộc chiến “đổ lỗi” về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, cũng như về cách thức phản ứng của Trung Quốc trước sự bùng phát ban đầu của dịch bệnh hồi cuối năm 2019. Tổng thống Trump thường xuyên cáo buộc rằng thế giới đã phải “trả giả rất đắt” vì Trung Quốc đã chậm thông tin về mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 giai đoạn đầu.

Căng thẳng giữa hai nước còn leo thang trong lĩnh vực công nghệ. Các biện pháp hạn chế mới của Mỹ nhằm vào Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tiếp tục làm leo thang căng thẳng cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát công nghệ toàn cầu giữa hai cường quốc. Vào giữa tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định sửa đổi một quy định xuất khẩu nhằm hạn chế hoạt động thu mua chất bán dẫn của Huawei. Chất bán dẫn này vốn là các sản phẩm trực tiếp của công nghệ và phần mềm của Mỹ. Tiếp đó, ngày 30-6, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã chặn không cho hai công ty Trung Quốc là Huawei và ZTE nhận trợ cấp từ một quỹ của chính phủ trong một nỗ lực nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của các công ty này với thị trường Mỹ. Cụ thể các công ty công nghệ Mỹ không được cấp phép để dùng khoản ngân sách hàng năm 8,3 tỷ USD từ Quỹ dịch vụ toàn cầu của FCC để mua hay hỗ trợ bất cứ thiết bị, dịch vụ nào do Huawei và ZTE cung cấp.

Liên quan đến vấn đề Hong Kong, ngay sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật an ninh quốc gia tại tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và luật này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30-6-2020, Mỹ cũng đã chính thức thu hồi quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong (từ ngày 1-7-2020). Theo đó, Mỹ sẽ hạn chế sinh viên từ Trung Quốc, đảo ngược quy chế đặc biệt về hải quan và các lĩnh vực khác đối với Hong Kong, đồng thời sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hong Kong. Phản ứng lại, phía Trung Quốc cho rằng quyết định này của Mỹ vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các nguồn tin cho biết Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các công ty quốc doanh ngừng mua hàng của Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một sau quyết định trên của Washington.

Ngoài ra, hồi đầu tháng 6-2020, Chính phủ Mỹ cũng đã trả đũa việc Bắc Kinh không cho phép các hãng hàng không Mỹ nối lại dịch vụ tới Trung Quốc sau thời gian gián đoạn vì các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn ngừa COVID-19 lây lan, bằng việc yêu cầu đình chỉ mọi chuyến bay do các hãng hàng không Trung Quốc vận hành đến và đi từ quốc gia này…

Như vậy, những vấn đề xung đột giữa Washington và Bắc Kinh trong những tháng gần đây trải dài trên rất nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đến công nghệ cao, an ninh, cách xử lý COVID-19.... mà cốt lõi là hai bên cạnh tranh chiến lược quyết liệt với nhau.

Đi về đâu?

Theo các nhà phân tích, xét về cả lý luận và thực tế, điểm nổi bật trong quan hệ Mỹ-Trung hiện nay là mặt cạnh tranh gia tăng đáng kể, mặc dù khuôn khổ vừa hợp tác vừa đấu tranh vẫn tồn tại. Thậm chí có ý kiến cho rằng, quan hệ Mỹ-Trung đã bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới. Tuy nhiên, bản chất của quan hệ Mỹ-Trung hiện nay khác với quan hệ thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.

Mặt trận chính của cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay chủ yếu là kinh tế và ở mức độ thấp hơn là ảnh hưởng chính trị, trong khi đó yếu tố an ninh-quân sự ngày càng trở nên rõ rệt hơn, còn yếu tố giá trị (ý thức hệ) chưa thực sự rõ ràng (nhưng đã manh nha xuất hiện). Đáng chú ý là, Trung Quốc có quan điểm rất rõ là tránh đối đầu với Mỹ, và quan điểm của Mỹ cũng là cần kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc nhưng không nên đối đầu với Trung Quốc. Quan điểm này không chỉ phù hợp với lợi ích của Mỹ mà còn với các nước đồng minh và các nước khác, nhất là ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng dù gì thì một điểm rất rõ có thể nhìn thấy là Mỹ đang ngày càng trở nên cứng rắn hơn với Trung Quốc, bởi việc “ai cứng rắn hơn với Trung Quốc” được xem là “lá bài” trong cạnh tranh nội bộ hướng tới bầu cử Mỹ. Chính vì vậy, mặt cạnh tranh được nhận định sẽ nhiều hơn là thỏa hiệp trong quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian tới.

Thực tế thời gian qua, mặc dù hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này rơi vào vòng xoáy căng thẳng liên quan tới thương mại và đại dịch COVID-19, vẫn có một số dấu hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ. Cuộc đối thoại cấp cao mới nhất giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hawaii (Mỹ) vào ngày 17-6 vừa qua đã minh chứng cho điều này. 

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do cuộc chiến thương mại kéo dài và đại dịch COVID-19, cả Mỹ và Trung Quốc cần nhận thức được rằng hợp tác là “hướng đi đúng đắn duy nhất” mang lại lợi ích cho cả hai bên, cũng như nền kinh tế toàn cầu.

Theo TTXVN