Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Y tế

Bài cuối: Đẩy mạnh giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trên thực tế, công tác đào tạo hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ y tế, nhất là của đội ngũ bác sĩ trẻ. Điển hình như tại Bệnh viện tỉnh, do nhân lực thiếu, việc cho các bác sĩ trẻ đi đào tạo dài hạn phải cân nhắc, có kế hoạch dài hơi, gặp nhiều khó khăn.

Bác sĩ Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viện tỉnh cho biết: Đa số bác sĩ trẻ thu hút những năm qua đều tốt nghiệp đa khoa, còn thiếu kinh nghiệm, tay nghề hạn chế. Sau khi tiếp nhận, ngoài tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, bệnh viện sẽ xem xét, đánh giá khả năng, năng lực của từng bác sĩ trẻ sau đó cho đi học định hướng chuyên khoa trong thời gian 9 tháng.

Nhờ được đầu tư trang thiết bị hiện đại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện tốt công tác khám, điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Văn Miên

Để trở thành bác sĩ trực chính cần ít nhất thêm 5 năm đào tạo nữa. Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng thời gian qua, số bác sĩ trẻ thu hút được đi đào tạo sau đại học không nhiều. Theo định hướng phát triển, bệnh viện đang tập trung thành lập các khoa điều trị chuyên sâu để nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh. Chính vì vậy, đòi hỏi cần có đội ngũ bác sỹ bác sĩ, kỹ thuật có chuyên môn cao và công tác đào tạo là hết sức quan trọng.

Đối với các đơn vị y tế tuyến huyện, xã, do thiếu nhân lực, nên việc cho cán bộ y tế đi học nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ càng khó khăn hơn. Theo quy định, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức cử đi đào tạo trình độ đại học, sau đại học từ nguồn ngân sách không còn. Việc hỗ trợ đào tạo đối với viên chức là do các đơn vị thực hiện cân đối từ nguồn thu khám chữa bệnh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, nguồn thu của các cơ sở y tế rất khó khăn, nên việc cân đối kinh phí hỗ trợ đào tại không thể thực hiện được. Trong khi đó, học phí ngày càng cao nên một số viên chức không có đủ điều kiện để theo học... Chị Dương Thị Vân, nhân viên y tế Trung tâm Y tế huyện Ninh Hải hiện đang học bác sĩ năm thứ 4 tại Trường Đại học Y dược Huế cho biết: Trong suốt 4 năm học tập, tôi được đơn vị tạo điều kiện về thời gian và cho hưởng lương cơ bản; toàn bộ chi phí học tập đều phải tự lo. Đời sống gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Tôi nghĩ nếu nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí học tập thì sẽ giúp những viên chức đang đi học giảm áp lực, tạo tâm lý thoải mái, an tâm hơn trong học tập.

Ngành Y tế tăng cường chăm sóc sức khỏe cho dân. Trong ảnh: Cụ ông Lê Tứ khám bệnh tại Trạm Y tế xã Lâm Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: V.M

Như vậy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành Y tế cần có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế trong công tác đào tạo, thu hút nhân lực. Đồng chí Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu HĐND và UBND ban hành Nghị quyết và Quyết định về điều chỉnh Nghị quyết số 25/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc phê duyệt chính sách thu hút nhân lực y tế về làm việc tại các cơ sở y tế công lập tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2015- 2020. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 4244/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai thực hiện một số nhiệm vụ để đạt chỉ tiêu 10 bác sĩ trên 10.000 dân vào năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tham mưu UBND tỉnh Đề án đào tạo nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận lên hạng I quy mô 1.000 giường giai đoạn 2021-2025... Qua đó giúp tỉnh có giải pháp hỗ trợ chế độ đào tạo viên chức học sau đại học chuyên ngành y tế bằng nguồn ngân sách, cũng như có chế độ thu hút đủ mạnh đi đôi với chế độ đãi ngộ hợp lý để giữ chân và động viên cán bộ y tế toàn tâm, toàn ý với công việc; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đi đôi đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ y tế… góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Y tế tỉnh nhà.