Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Y tế:

Bài 1: Tăng cường công tác đào tạo

Xác định đầu tư cho nguồn nhân lực là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế, những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án, kế hoạch đẩy mạnh công tác này và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trong giúp ngành Y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân lực và xem đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Y tế tỉnh nhà. Trong giai đoạn 2016-2020, chi phí từ ngân sách cho các công tác này là gần 42 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2020, tỉnh đạt chỉ tiêu 10 bác sĩ/10.000 dân.

Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh quan tâm chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để đạt được các mục tiêu đề ra, trên cơ sở quy hoạch phát triển của ngành và tình hình thực tế, hàng năm, Sở Y tế xây dựng kế hoạch đào tạo; rà soát, xét duyệt, tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức (CBVC) học tập nâng cao trình độ về mọi mặt”. Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, hàng năm, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch tạo nguồn quy hoạch cán bộ; đăng ký nhu cầu cử CBCCVC đào tạo chuyên ngành.

Từ năm 2016 cho đến nay, tỉnh đã đào tạo 8 bác sĩ chuyên khoa (CK) II, 41 bác sĩ CK I, 3 bác sĩ, 74 đại học, 57 cao đẳng. Nhiều cán bộ, bác sĩ sau khi được đào tạo về phục vụ, góp phần nâng cao chất lượng y tế cho các địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, để đạt được mục tiêu đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên hạng I, quy mô 1.000 giường, giai đoạn 2017-2020, đã có 27 cán bộ y tế của đơn vị được đưa đi đào tạo bác sĩ CKII, 61 bác sĩ CKI, 1 dược sĩ CKI, 1 điều dưỡng CKI và 19 người đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, định hướng chuyên khoa. Hiện Bệnh viện đang phối hợp với các cơ sở đào tạo cử 26 viên chức học các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, chuyên khoa sâu... Từ năm 2016 đến nay, thông qua các chương trình, đề án, toàn tỉnh có 1.407 lượt công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó, có 60 lượt học lý luận chính trị, 198 lượt học quản lý nhà nước, 53 học bác sĩ CKII, 107 học thạc sĩ/CKI, 236 đại học, 53 cao đẳng...

Cán bộ y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi chăm sóc bệnh nhân.

Đồng chí Phạm Văn Phán, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bác Ái cho biết, là đơn vị hoạt động ở địa bàn vùng núi, phần lớn bệnh nhân có BHYT thuộc diện nghèo, cận nghèo nên nguồn thu của trung tâm rất hạn chế; bên cạnh đó, nhân lực lại thiếu cho nên việc cho cán bộ, viên chức đi học nâng cao trình độ, chuyên môn là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, để nâng cao trình độ đội ngũ y, bác sĩ, từ năm 2016 đến nay, trung tâm vẫn sắp xếp cho 6 bác sĩ đi học CK1, 2 viên chức học dược sĩ đại học và 34 người khác học cử nhân các ngành. CBVC sau khi được đào tạo đều trở về đơn vị công tác, giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của cơ sở y tế tại địa phương.

Bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo, công tác tuyển dụng, thu hút nhân lực, nhất là thu hút bác sĩ, kỹ thuật viên có tay nghề, chuyên môn cao được quan tâm thực hiện. Từ 2015 đến nay, các đơn vị y tế đã tuyển dụng được 375 viên chức, trong đó có 67 bác sĩ, 69 y sĩ; 32 dược sĩ; trong đó có 44 trường hợp được hưởng chính sách đãi ngộ của tỉnh, gồm: 2 bác sỹ CKI, 1 thạc sỹ, 41 bác sỹ. Sau khi tuyển dụng, viên chức đều được bố trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn, vị trí việc làm, được cử đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Hiện tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành Y tế là 2.574 người, tăng 225 người so với năm 2015, trong đó bác sĩ tăng từ 426 lên 457 người, dược sĩ đại học tăng từ 25 lên 54; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân tăng từ 7 bác sĩ/vạn dân lên 9,1 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ dược sĩ tăng từ 0,4 dược sĩ/vạn dân lên 1 dược sĩ/vạn dân; 100% trạm y tế đều có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ làm việc tăng từ 60% hiện lên lên 86,1%; tỷ lệ trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế tăng từ 61,5% lên 89,2%. Ngoài ra, tại các thôn khó khăn có nhân viên y tế và cô đỡ thôn bản; các trạm y tế còn có mạng lưới cộng tác viên về dân số, chăm sóc bà mẹ trẻ em, phòng chống HIV, lao, sốt rét, truyền thông giáo dục sức khỏe… Nguồn nhân lực ngày càng nâng cao về cả lượng và chất đã góp phần quan trọng giúp ngành Y tế thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân .

-------------------
MỜI XEM TIẾP KỲ SAU
Bài 2: Nhiều cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực