Mở cửa lại biên giới EU - vấn đề không đơn giản

Sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã dẫn đến việc đóng cửa biên giới nội bộ ở hầu hết các khu vực của châu Âu. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được cải thiện và đặc biệt là nhu cầu du lịch tăng lên vào mùa hè, người dân châu Âu đều mong muốn được khôi phục việc tự do di chuyển nội khối.

Các nước “nóng ruột” mở cửa biên giới

Trong một diễn biến mới nhất, chính phủ các nước Hungary, Slovakia và CH Séc đã nhất trí mở lại đường biên giới chung giữa các nước này kể từ đêm 26-5-2020. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này đã đồng ý với các đối tác CH Séc và Slovakia cho phép các công dân của mỗi nước ở lại trên lãnh thổ của các nước còn lại trong không quá 48 giờ mà không cần cách ly. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Szijjarto, công dân Hungary có thể đến CH Séc nếu đi qua Slovakia, nhưng không thể quay về Hungary qua đường Slovakia. Họ sẽ phải đi vòng qua Áo và điều tương tự cũng được áp dụng đối với công dân Séc trở về từ Hungary. Ngoại trưởng Séc Tomas Petricek cũng nêu rõ các công dân ba nước trên có thể đi lại giữa các nước này mà không cần phải nộp giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và không cần kiểm dịch nếu họ quay trở lại trong vòng 48 giờ.

Cũng trong ngày 26-5, CH Séc bắt đầu mở lại các cửa khẩu biên giới với nước láng giềng Đức và Áo. Tuy nhiên, giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính vẫn là bắt buộc và việc kiểm tra ở biên giới sẽ được tiến hành ngẫu nhiên. Trước đó, ngày 25-5, Hungary tuyên bố mở cửa biên giới với Serbia, sau khi mở lại biên giới với Romania hồi tuần trước.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang từng bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc chống dịch bệnh COVID-19, Tây Ban Nha ngày 26/5 đã hối thúc các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) thiết lập những quy tắc chung về mở cửa biên giới và khôi phục khu vực tự do đi lại trong khu vực miễn thị thực Schengen. Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez nhấn mạnh, kể cả khi các nước EU đã ấn định những thời điểm khác nhau để tái mở cửa biên giới, vẫn cần phải có những quy tắc và luật lệ chung đối với khu vực Schengen để mở cửa các biện giới nội địa và thiết lập các quy định đối với biên giới bên ngoài. 

Hãng tin DPA của Đức cũng đưa tin, chính phủ nước này đang có kế hoạch dỡ bỏ cảnh báo du lịch đối với 31 quốc gia châu Âu kể từ ngày 15/6 tới với điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 nằm trong sự kiểm soát cho phép. Theo đó, Đức sẽ nối lại hoạt động du lịch đối với 26 nước thành viên EU khác và Anh cũng như 4 quốc gia nằm ngoài EU trong khu vực Schengen gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.

Vấn đề đưa khu vực Schengen trở lại hoạt động bình thường càng sớm càng tốt cũng được nhiều nghị sĩ châu Âu quan tâm. Họ muốn tăng cường hợp tác EU để đảm bảo rằng không có sự phân biệt đối xử với bất kỳ công dân EU nào. Theo các quy định Schengen hiện hành, các quốc gia thành viên EU có thể - trong một thời gian hạn chế - đưa ra các biện pháp kiểm tra biên giới tại biên giới nội bộ của họ trong trường hợp có mối đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự công cộng hoặc an ninh nội bộ. Họ phải thông báo cho Ủy ban châu Âu (EC) về việc đóng cửa này (nếu có). Ủy ban hiện vẫn giám sát các biện pháp hạn chế nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 của từng quốc gia thành viên.

Cần sự phối hợp và trách nhiệm

Mở cửa lại biên giới và khôi phục ngành du lịch sau thời gian dài chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 là việc làm cấp thiết của EU. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là phải đảm bảo được sự an toàn của tự do đi lại giữa các nước, không để bùng phát làn sóng tái lây nhiễm.

Ông Gari Capelli - Bộ trưởng Du lịch Croatia, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - cho rằng cần thảo luận thêm về cách áp dụng “gói các biện pháp về du lịch” vì châu Âu không thể liều lĩnh chấp nhận rủi ro sau khi vừa trải qua hơn một tháng phong tỏa. Theo ông, các nước cần mở lại biên giới một cách có trách nhiệm bằng cách ký các thỏa thuận song phương, nhất là giữa các nước có cùng cấp độ dịch bệnh, để đảm bảo dịch không bùng phát trở lại.

Trong khi đó, Pháp yêu cầu phải có sự phối hợp tốt hơn giữa các quốc gia. Mục tiêu của Paris là mở lại biên giới nội bộ EU từ ngày 15/6, nhưng phải đảm bảo tránh để xảy ra mở cửa ở nhiều tốc độ khác nhau. Trong khi đó, Đức muốn tập hợp 11 quốc gia phía Nam EU để bàn cách phối hợp mở lại biên giới.

Hiện tại, các nước trong khu vực Schengen đang áp dụng các biện pháp mở cửa biên giới không đồng bộ nhau. Italy tuyên bố mở lại biên giới và sân bay từ ngày 3-6. Hy Lạp dự kiến nối lại các chuyến bay đến từ ngày 1-7; cho phép khách sạn, nhà hàng hoạt động trở lại từ ngày 15/6; đồng thời giảm thuế một số dịch vụ và mặt hàng như phà, chuyến bay, xe buýt, đồ uống không cồn… Trước thực trạng này, nghị sĩ Tanja Fajon, Chủ tịch nhóm công tác về giám sát Schengen của Ủy ban tự do dân sự cho biết: “Các quốc gia thành viên đã hành động một mình và giờ là lúc EU phải can thiệp trước khi quá muộn và gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với Schengen. Ủy ban nên đảm nhận vai trò chính trong việc khôi phục tự do đi lại và trước hết là đối với các hạng mục quan trọng như người lao động xuyên biên giới. Do đó, sự phối hợp của châu Âu là rất cần thiết”.

Theo nhận định của giới quan sát, hệ thống dỡ bỏ những hạn chế theo giai đoạn có thể bắt đầu giữa các khu vực hoặc các quốc gia có mức độ dịch bệnh tương tự nhau, nhưng không nên có sự phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch. Mục tiêu cuối cùng là mở cửa trở lại tất cả các biên giới trên khắp EU để cho phép đi lại suôn sẻ và an toàn vì cả lý do chuyên môn và cá nhân. Tuy nhiên, không có thời gian biểu nào vì nó phụ thuộc vào tình hình dịch tễ và quyết định của các quốc gia thành viên.

Theo TTXVN