Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Ngày 20-5, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (TP. Hà Nội), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 9 bằng hình thức họp trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự khai mạc tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Tham dự phiên khai mạc tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh; Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh; Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Hữu Đức, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Đàng Thị Mỹ Hương, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, đại biểu Quốc hội; Đại tá Phạm Huyền Ngọc, Ủy viên Ủy Ban Quốc phòng và An ninh  của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh và các đại biểu tham dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tại điểm cầu tỉnh ta.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong không khí cả nước vui mừng vừa kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Quốc hội khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội cho biết, chương trình nghị sự tại kỳ họp lần này với nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào các vấn đề: Thứ nhất, Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo bổ sung về kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Năm 2020 là năm cuối của kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, do đó các vị ĐBQH cần nghiên cứu, phân tích thấu đáo, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, khách quan để xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu nhằm sớm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Quốc hội cũng xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đề ra các giải pháp thực hiện để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn. Thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, góp phần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Quốc hội; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp, huy động nguồn lực trong xã hội, nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế. Quốc hội xem xét, phê chuẩn 3 điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Thứ 3, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét một số nội dung quan trọng khác.

Đồng chí Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại kỳ họp này, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, nhất là Chính phủ, các bộ, ngành đang tập trung tối đa cho công tác phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh, thay vì chất vấn trực tiếp tại phiên họp toàn thể như thông lệ, các vị ĐBQH sẽ gửi chất vấn bằng văn bản đến các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành về những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Các văn bản chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tổng hợp để báo cáo Quốc hội. Ngoài ra, một số báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước… đã được gửi đến các vị ĐBQH để nghiên cứu, kết hợp thảo luận cùng các nội dung liên quan.

Thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và các vị ĐBQH đã chủ động điều chỉnh linh hoạt cách thức làm việc phù hợp, nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm với Nhân dân. Hình thức họp trực tuyến là nét mới, thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần vào thành công của kỳ họp này.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển KT-XH; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA…

Theo chương trình đã được thông qua, kỳ họp thứ 9 được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Đợt I, Quốc hội họp trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến 63 điểm cầu của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ ngày 20 đến 29-5; đợt II, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 8 đến 18-6.

Báo Ninh Thuận sẽ tiếp tục đưa tin về Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.