Ưu tiên nguồn nước cho người dân và đàn gia súc trong mùa khô hạn

Một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác chống hạn của tỉnh năm 2020 là không để người dân thiếu nước sinh hoạt, bảo đảm nguồn nước uống cho đàn gia súc, đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại cuộc họp Thường trực HĐND tỉnh thường kỳ tháng 2. Thực hiện chỉ đạo trên, hiện các sở, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, các giải pháp cụ thể, huy động các nguồn lực ứng phó với hạn.

Tính đến ngày 17-2, mực nước tại 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 30% tổng dung tích thiết kế, khoảng 61 triệu m3. Một số hồ chứa nước: Phước Trung, Phước Nhơn, Suối Lớn, Tà Ranh, Ông Kinh, Thành Sơn, Tân Giang, Sông Biêu... hiện đã cạn kiệt. Dòng chảy một số sông suối nhỏ xa đầu nguồn có hiện tượng giảm lưu lượng cảnh báo nguy cơ thiếu nước. Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn rà soát, kiểm tra cụ thể từng hệ thống cấp nước do đơn vị quản lý đảm bảo cấp nước sinh hoạt trong mùa khô hạn; đồng thời tham mưu UBND tỉnh gửi công văn đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho phép Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận- Đa Mi không tiếp tục điều tiết nước về phía sau đập Đa Nhim từ Hồ Đơn Dương từ đây đến ngày 15-4 để ưu tiên tích nước, bổ sung lượng nước thiếu hụt ở vùng hạ du trên địa bàn tỉnh ta.

Hồ Bà Râu (Thuận Bắc) điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nông dân địa phương. Ảnh: Văn Miên

Phương án vận hành các nhà máy nước tại các địa phương trong mùa khô hạn được xây dựng cụ thể. Điển hình như xã Phước Trung (Bác Ái), vốn là địa bàn trọng điểm thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước do hạn, qua khảo sát thực tế, hiện nguồn nước chỉ đủ cấp cho 2 tháng tới; một số thửa ruộng dọc kênh Ô Căm vẫn còn canh tác lúa, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân ngưng canh tác ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt và chăn nuôi. Trong trường hợp suối Ô Căm cạn nước, trước mắt sẽ chở nước cấp cho dân. Tuy nhiên, để cấp nước ổn định, về lâu dài sẽ đấu nối hệ thống cấp nước hiện có vào đường ống của hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ. Hay tại xã Phước Thành (Bác Ái), nước sinh hoạt, sản xuất chủ yếu sử dụng nguồn nước suối Lạnh, ước tính lượng nước hiện có chỉ có thể đủ cung cấp cho nhà máy cấp nước của địa phương đến hết tháng 4, nếu không có lũ tiểu mãn, nguồn nước suối Lạnh sẽ hết. Để bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân và đàn gia súc, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tập trung nạo vét, gia cố đập để đảm bảo dòng chảy. Trường hợp hết nước sẽ hỗ trợ địa phương chở nước phục vụ nhân dân. Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Ban xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước khẩn trương hoàn thành Dự án đấu nối, mở rộng hệ thống cấp nước Phước Đại-Phước Thành để đảm bảo nguồn nước thô liên tục cho nhà máy cấp nước Phước Thành….

Các giải pháp chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc trong mùa khô hạn cũng được thực hiện quyết liệt. Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nhìn chung tình hình thức ăn và nước uống cho đàn gia súc vẩn ổn định, chưa có dấu hiệu suy dinh dưỡng trên đàn gia súc có sừng do thiếu thức ăn, nước uống. Tuy nhiên, để ngành Nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp chống hạn, cảnh báo cho các hộ chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn cho đàn gia súc có sừng trong mùa hạn. Ngành chuẩn bị sẵn sàng nguồn vắc xin, nguyên vật liệu, vật tư, hóa chất để phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh động vật, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trong mùa khô hạn; đồng thời khuyến cáo bà con không nên tăng quy mô đàn nếu không chủ động nguồn thức ăn và nước uống trong mùa khô hạn.

Nông dân Bác Ái chăn nuôi cừu.Ảnh: Ngũ Anh Tuấn

Hiện nay, ngành Nông nghiệp đã xây dựng phương án di chuyển đàn gia súc trong trường hợp nguồn nước, thức ăn cạn kiệt. Nếu hạn hán xảy ra trong thời gian ngắn, ngành khuyến khích người dân di chuyển đàn trong phạm vi địa phương. Địa điểm di chuyển cũng được xây dựng cụ thể. Trong đó, các xã: Phước Thành, Phước Thắng, Phước Tân, Phước Trung (Bác Ái) sẽ di chuyển đàn đến hồ Sông Sắt và các nguồn suối tự nhiên trên địa bàn huyện. Các xã Phước Kháng, Phước Chiến (Thuận Bắc) di chuyển đàn gia súc đến dọc kênh Bắc, vùng hồ Sông Trâu, hồ Bà Râu và các hồ đập khác có nước. Các xã: Phước Diêm, Phước Nam, Phước Minh (Thuận Nam) di chuyển gia súc đến khu vực hồ Bầu Ngứ, Tân Giang, Sông Biêu, Núi Một, CK7, Suối Lớn... Trong trường hợp khi thức ăn và nước uống khan hiếm trầm trọng; các địa phương khuyến cáo bà con di chuyển đàn gia súc ra ngoài phạm vi huyện, cụ thể: Huyện Thuận Nam di chuyển đàn đến huyện Ninh Phước, tập trung tại thị trấn Phước Dân và các xã Phước Hữu, Phước Hải và các xã có khu vực chăn nuôi dọc kênh Nam. Huyện Bác Ái di chuyển đàn về đồng Chà Vum, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) và xã Hộ Hải (Ninh Hải). Một số huyện khác cần chủ động khuyến cáo người chăn nuôi di chuyển đàn phân tán về các huyện, tại một số vùng được đảm bảo có nguồn thức ăn, nước uống để cứu đói tạm thời trong thời gian hạn hán.

Tại cuộc họp Thường trực HĐND tỉnh thường kỳ tháng 2, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Tình hình khô hạn diễn biến hết sức phức tạp, dự báo trong những tháng tiếp theo nắng nóng kéo dài nguy cơ hạn hán xảy ra trên diện rộng là hoàn toàn có thể, do đó công tác chống hạn, trong đó việc bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân và đàn gia súc là nhiệm vụ cấp bách được đặt lên hàng đầu. Đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành chức năng và các Ban HĐND tỉnh tiếp tục khảo sát, theo dõi nắm chắc tình hình hạn hán tại các địa phương để chủ động ứng phó kịp thời. UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương thi công hoàn thành các tuyến kênh nhánh cấp I của hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ; các công trình cấp nước phục vụ nhân dân do Ban năng mực xây dựng và thực hiện các dự án ODA ngành nước làm chủ đầu tư; các địa phương rà soát các vùng, đối tượng thuộc diện phải hỗ trợ gạo cứu đói để có giải pháp hỗ trợ kịp thời... không để bất cứ hộ dân nào bị thiếu đói, bảo đảm nguồn nước, ổn định đời sống cho bà con, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại trong sản xuất do hạn hán gây ra.