70 năm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc Thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại

Việt Nam và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18-1-1950. Trong suốt 70 năm, cùng với việc xây dựng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, việc lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau đã tạo ra môi trường quan hệ hợp tác chính trị tốt đẹp, ổn định, góp phần tạo động lực và nền tảng quan trọng cho việc hợp tác phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển thương mại song phương.

Hợp tác thương mại - điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi có nhiều nét tương đồng về văn hóa, xã hội. Cùng với đó, việc hai bên duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương đã kịp thời giải quyết các vấn đề trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương phát triển ngày càng ổn định theo hướng cân bằng, bền vững hơn.

Trong những năm qua, hợp tác thương mại tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (kể từ năm 2004), là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ; trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong số 10 nước thành viên ASEAN kể từ năm 2016 và là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc trên toàn thế giới. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 107 tỷ USD; năm 2019, đạt trên 106 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu trên 41 tỷ USD và nhập khẩu trên 75 tỷ USD.

Trong những năm gần đây, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chuyển biến theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo và hàng nông, lâm, thủy sản. Nhiều sản phẩm đặc sắc và thương hiệu lớn của Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Quốc, được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện Việt Nam có 11 nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD. Hai nhóm hàng lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện. Tiếp đó là rau quả; thủy sản; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; xơ, sợi… Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường cung cấp nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là: vải các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hóa chất...

Thời gian qua, hai bên đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác quan trọng về kiểm dịch mặt hàng sữa, măng cụt xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Cũng trong năm 2019, lô sữa đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh hợp tác thương mại, Trung Quốc cũng là nhà đầu tư FDI lớn của Việt Nam. Năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc đạt 16,26 tỷ USD, với tổng số dự án là 2.807.

Về du lịch, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam với gần 5 triệu du khách năm 2018 (chiếm gần 1/3 tổng số lượt khách du lịch quốc tế vào Việt Nam); trong 9 tháng đầu năm 2019, con số này đạt 3,9 triệu. Ở chiều ngược lại, mỗi năm Việt Nam cũng có hơn 1 triệu du khách thăm Trung Quốc. Nếu tính cả giao lưu qua biên giới, mỗi năm lượng qua lại giữa hai bên khoảng 12 triệu lượt người.

Thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại

Trên cơ sở những thay đổi tích cực của nền kinh tế hai nước Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua, cùng với lợi thế sẵn có, nền văn hóa với nhiều nét tương đồng và đặt trong tổng thể mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Trung Quốc đang đứng trước cơ hội tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Cụ thể, đó là cơ hội tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại đến từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong vòng hai thập niên, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập quốc tế tích cực nhất trên thế giới. Ngoài những khuôn khổ hợp tác, những Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đã ký trong các giai đoạn trước đây, Việt Nam cũng đang tích cực tham gia nhiều FTA thế hệ mới khác. Mặt khác, với dân số hơn 1,4 tỷ người, quy mô nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và những chính sách hỗ trợ, khuyến khích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu nội địa, Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường hấp dẫn cho các mặt hàng xuất khẩu ưu thế, nông sản truyền thống hay các mặt hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam.

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động sản xuất, hợp tác kinh doanh cũng như tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy cạnh tranh phù hợp với bối cảnh hội nhập khu vực quốc tế, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang tiến hành cải cách, thực hiện nhiều giải pháp để tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, những ưu thế gần gũi về địa lý, văn hóa, những cơ chế hợp tác chặt chẽ toàn diện, những cam kết sâu rộng hơn trong quá trình nâng cấp các hiệp định kinh tế, thương mại song phương, đa phương xây dựng trước đó kết hợp với những yếu tố mới của nền kinh tế hai nước nêu trên sẽ trở thành động lực giúp cộng đồng doanh nghiệp hai bên vượt qua mọi rào cản, trở ngại, tăng cường hợp tác cùng có lợi, đưa thương mại hai nước phát triển theo hướng ổn định, bền vững và cân bằng hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, dù Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, song điều đáng lo ngại là trong nhiều năm qua là mức thâm hụt thương mại của nước ta với Trung Quốc đang ở mức cao. Nhằm trao đổi các giải pháp đối với các vấn đề khó khăn trong hợp tác kinh tế, thương mại song phương, tháng 9-2019, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi đã tổ chức kỳ họp lần thứ 8 Nhóm Công tác hợp tác thương mại Việt Nam-Trung Quốc trong khuôn khổ Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc.

Tại kỳ họp, hai bên đã bàn bạc các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tồn tại trong thương mại song phương nhằm thúc đẩy thương mại song phương phát triển ổn định, cân bằng hơn trong thời gian tới; cụ thể như: giảm nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc, mở cửa thị trường Trung Quốc cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam, tháo gỡ rào cản cho xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, thành lập các Văn phòng Xúc tiến thương mại tại các địa phương Trung Quốc, hợp tác trong các cơ chế song phương và đa phương, phòng vệ thương mại…

Hai bên cũng đã trao đổi, thống nhất được nội dung hai văn kiện hợp tác song phương gồm: “Bản ghi nhớ về kết hoạch hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc giai đoạn 2020-2024” và “Bản ghi nhớ về thành lập Nhóm công tác thuận lợi hóa Thương mại” để chuẩn bị phục vụ Lãnh đạo Bộ hai bên ký kết chính thức vào thời điểm thích hợp.

Theo TTXVN