Mặt trận Tổ quốc phát huy vai trò làm chủ của người dân

Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là một trong những hình thức giám sát quan trọng của MTTQ ở cơ sở, nhằm phát huy dân chủ trực tiếp, động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với việc chấp hành, thực hiện chủ trương, chính sách của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân. Đây là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng để đảm bảo đời sống pháp lý, giữ vững sự ổn định ngay từ cơ sở.

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 65 Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và 65 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ). Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Mặt trận các huyện, thành phố đã thường xuyên phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận cơ sở duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ, góp phấn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Chỉ tính trong năm 2019, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với tổ chức thành viên và các ngành liên quan thực hiện 309 cuộc giám sát của Ban TTND và 193 cuộc GSĐTCCĐ. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của đông đảo người dân, được dư luận xã hội quan tâm, như việc thực thi chính sách, pháp luật của chính quyền, các chương trình dự án, công tác quy hoạch; việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với người có công; việc thi công các công trình kết cấu hạ tầng ở địa phương; giám sát bình xét hộ nghèo, giám sát cấp phát gạo cứu trợ của Chính phủ đảm bảo khách quan, minh bạch, đúng đối tượng...Qua đó, đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết 140 vụ việc có liên quan

Kênh Cầu Ngòi thuộc địa phận xã Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) được nâng cấp đáp ứng
nhu cầu sản xuất của người dân địa phương. Ảnh: V.Nỷ

Chẳng hạn như Mặt trận các phường, xã trên địa bàn Tp.Phan Rang - Tháp Chàm đã hướng dẫn Ban GSĐTCCĐ và Ban TTND phối hợp giám sát nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ dân sinh như dự án thi công mương Chàm thuộc phường Bảo An; nâng cấp kênh Cầu Ngòi trên địa bàn xã Thành Hải và phường Văn Hải; thi công các tuyến đường nội thôn Công Thành, Thành Ý, Tân Sơn thuộc xã Thành Hải; việc thi công nạo vét tuyến luồng, vũng đậu tàu và khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Cái thuộc phường Đông Hải; việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư Tháp Chàm của phường Đô Vinh. Tổ chức giám sát việc cấp phát gạo cho học sinh Trường THPT Chu Văn An theo NĐ116/2016/NĐ-CP; việc cấp phát quà tết cho hộ nghèo, người dân gặp hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố.

Cũng trong năm qua, Ban GSĐTCCĐ và Ban TTND của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ninh Hải đã phối hợp với các đoàn thể tiến hành giám sát việc thi công xây dựng các công trình được đông đảo người dân địa phương quan tâm, như công trình kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư khu vực xã Nhơn Hải đến xã Thanh Hải; công trình nạo vét hệ thống thoát nước, mở rộng và kiên cố hóa kênh mương Cầu Ngòi thuộc thị trấn Khánh Hải; công trình xây dựng đường bê tông dọc bờ kè thôn Tri Thủy 1 của xã Tri Hải; công trình nạo vét, cải tạo hồ sinh thái ở xã Phương Hải; công trình nạo vét kênh mương, tu sửa đường giao thông nội đồng của xã Xuân Hải...Ngoài ra còn tham gia giám sát một số lĩnh vực có tác động trực tiếp đến người dân, như việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND xã; việc thực hiện chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân chủ yếu đối với gia đình thương binh, liệt sĩ; công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại địa phương...

Cán bộ Mặt trận xã Phước Thái (Ninh Phước) tuyên truyền, vận động người dân
phát triển kinh tế nâng cao đời sống gia đình. Ảnh: Phạm Lâm

Cùng với đó, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp hướng dẫn, củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 402 Tổ hòa giải, với 2.641 hòa giải viên. Trong năm 2019, các Tổ hòa giải đã tiếp nhận 775 vụ việc mâu thuẩn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; đã tiến hành hòa giải thành 552 vụ việc, đạt tỷ lệ trên 71%.

Có thể nói, qua hoạt động của các Ban TTND, Ban GSĐCCĐ và Tổ hòa giải, đã góp phần thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy tốt vai trò làm chủ của người dân; giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong nội bộ; củng cố tình làng nghĩa xóm, xây dựng tinh thần đoàn kết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.